Điện thoại iPhone 15 của Apple được giới thiệu tại Cupertino, California, Mỹ ngày 12/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN, là một phần của thỏa thuận được công bố ngày 15/7, Apple cam kết mua nam châm đất hiếm trực tiếp từ MP Materials nhằm củng cố chuỗi cung ứng tại Mỹ. Apple cũng sẽ hợp tác với công ty này để xây dựng một dây chuyền tái chế mới tại bang California, qua đó tái sử dụng nguyên liệu đất hiếm tái chế cho các sản phẩm của Apple.
Động thái này là một phần trong khoản đầu tư 500 tỷ USD mà Apple công bố đầu năm nay nhằm mở rộng hoạt động tại Mỹ, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy nội địa hóa ngành sản xuất công nghệ và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đất hiếm vốn là nguyên liệu thiết yếu cho mọi thứ từ điện thoại thông minh đến TV và máy bay quân sự, nhưng từ lâu là một quân bài mặc cả quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, do Trung Quốc kiểm soát gần như toàn bộ khâu chế biến.
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook nói trong một thông cáo báo chí: “Sáng tạo của Mỹ là động lực cho mọi hoạt động của Apple và chúng tôi tự hào mở rộng đầu tư vào nền kinh tế Mỹ. Nguyên liệu đất hiếm rất cần thiết cho công nghệ tiên tiến và quan hệ đối tác này sẽ giúp tăng cường nguồn cung các nguyên liệu quan trọng này ngay tại Mỹ”.
Cơ sở của MP Materials ở Fort Worth (bang Texas) sẽ xây dựng các dây chuyền sản xuất nam châm mới dành riêng cho sản phẩm Apple. Theo MP Materials, giao hàng dự kiến bắt đầu vào năm 2027 và cuối cùng sẽ được dùng để sản xuất hàng trăm triệu thiết bị Apple. Các nguyên liệu này sẽ được phân phối trên khắp nước Mỹ và toàn cầu.
Apple cho biết kế hoạch mở rộng này sẽ tạo ra hàng chục việc làm mới. Cả hai công ty cũng sẽ đào tạo nhân lực để phát triển lực lượng lao động Mỹ trong lĩnh vực sản xuất nam châm.
Trung Quốc gần như độc quyền về đất hiếm - thành phần quan trọng của các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại, tua-bin gió, đèn LED và TV màn hình phẳng. Đây cũng là yếu tố then chốt trong pin xe điện, máy chụp cộng hưởng từ (MRI) và điều trị ung thư.
Tên gọi "đất hiếm" phần nào gây hiểu lầm, vì các nguyên liệu này thực chất tồn tại phổ biến trong vỏ Trái đất nhưng khai thác và chế biến rất khó và tốn kém. Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất có thiết bị cần thiết để xử lý một số nguyên tố và kiểm soát tới 92% sản lượng toàn cầu trong giai đoạn chế biến.
Thỏa thuận với MP Materials có thể giúp Apple lấy lòng Tổng thống Trump giữa lúc có nguy cơ bị áp thuế, nhưng đồng thời cũng phù hợp với nỗ lực lâu dài của hãng trong việc đưa thêm nguyên liệu tái chế vào sản phẩm. Đây là một kế hoạch có từ trước khi ông Trump nhậm chức.
Ví dụ, chiếc iPhone 16e ra mắt đầu năm nay chứa 30% nguyên liệu tái chế. Apple sử dụng đất hiếm tái chế trong các sản phẩm chủ lực, trong đó có nam châm trong các mẫu iPhone, iPad, Apple Watch, MacBook và máy tính Mac mới nhất.
Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần gây sức ép để Apple và các tập đoàn công nghệ khác sản xuất thiết bị tại Mỹ, thay vì dựa vào nhà máy lắp ráp và chuỗi cung ứng chủ yếu đặt ở các nước khác.
Trong một bài đăng trên mạng Truth Social hồi tháng 5, ông Trump viết: “Tôi đã từ lâu thông báo với ông Tim Cook của Apple rằng tôi kỳ vọng những chiếc iPhone bán ở Mỹ phải được sản xuất và lắp ráp ngay tại Mỹ, không phải ở Ấn Độ hay bất kỳ nơi nào khác. Nếu không thực hiện, Apple phải nộp ít nhất 25% thuế nhập khẩu cho Mỹ”.
Apple chưa công bố kế hoạch đưa sản xuất iPhone về Mỹ và điều đó được xem là khó khả thi, bởi sẽ buộc hãng phải thay đổi toàn bộ quy trình chế tạo sản phẩm sinh lời lớn nhất của mình.
Điều quan trọng trong hợp tác giữa Apple và MP Materials là phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực sản xuất nam châm. Đây cũng là một trong những lý do khiến việc đưa sản xuất iPhone về Mỹ rất khó khăn do nước này thiếu lao động có tay nghề chuyên sâu cần thiết.
Ông David Marcotte, Phó Chủ tịch cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường quốc tế Kantar, từng nhận định: “Trình độ để chế tạo từng linh kiện là thứ phải được tích lũy qua thời gian dài”.
Ông Tim Cook cũng từng nhắc đến khoảng cách về tay nghề trước đây. Tại một sự kiện do tạp chí Fortune tổ chức năm 2017, ông mô tả lực lượng lao động ở Trung Quốc có thể kết hợp giữa kỹ năng thủ công, robot tiên tiến và công nghệ khoa học máy tính.
Tuy nhiên, cam kết đầu tư vào nguồn đất hiếm nội địa nhiều khả năng sẽ làm hài lòng ông Trump. Tổng thống từng coi tuyên bố đầu tư trước đây của Apple là một thắng lợi trong nỗ lực thúc đẩy ngành sản xuất Mỹ.
Apple chỉ là một trong nhiều tập đoàn công nghệ lớn mở rộng hiện diện tại Mỹ trong vài tháng qua. Texas Instruments đã cam kết đầu tư 60 tỷ USD để sản xuất chip tại Mỹ hồi tháng 6. Tập đoàn sản xuất chip Đài Loan TSMC đầu tư 100 tỷ USD vào sản xuất tại Mỹ trong tháng 3. Hãng chip AI hàng đầu Nvidia cũng thông báo sẽ xây dựng siêu máy tính tại Mỹ vào tháng 4.