NATO tập trận sát biên giới, quan chức Nga nghi ngờ tuyên bố không muốn chiến tranh của NATO

Một đại đội bộ binh của Mỹ đã đến Estonia, đóng quân tại căn cứ Taara ở thị trấn Võru, cách biên giới Nga khoảng 20 km. Động thái này, theo Đại tá Mati Tikerpuu, cho phép phối hợp, tăng năng lực chiến đấu của các lực lượng đồng minh NATO ở cấp độ lữ đoàn.

Chú thích ảnh
Đại đội bộ binh của Mỹ đã đến căn cứ Taara ở Võru. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Estonia

Trang tin Estoniaworld ngày 17/12 cho biết một đại đội bộ binh Mỹ đã đến căn cứ Taara ở thị trấn Võru trong tuần này như một phần của đợt triển khai để huấn luyện với Lữ đoàn bộ binh số 2 của Lực lượng Phòng vệ Estonia.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng song phương, là một phần trong cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO Mandrid hồi tháng 6/2022 nhằm nhằm tăng cường sự hiện diện luân phiên các lực lượng Mỹ ở khu vực Baltic, đồng thời giúp tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở sườn phía Đông.

Đề cập sự xuất hiện của lực lượng Mỹ tại Võru, Đại tá Mati Tikerpuu, chỉ huy Lữ đoàn bộ binh số 2 của Lực lượng Phòng vệ Estonia, cho biết thêm đại đội bộ binh Mỹ bao gồm cả một bộ phận chỉ huy cấp tiểu đoàn, cho phép phối hợp các lực lượng đồng minh ở cấp độ lữ đoàn, giúp tăng năng lực chiến đấu của lữ đoàn thông qua việc được bổ sung lực lượng từ đồng minh.

Theo Đại tá Richard Ikena, chỉ huy pháo binh thuộc Sư đoàn bộ binh số 1 quân đội Mỹ, những người lính Mỹ vui mừng được đến Estonia, mong được kề vai sát cánh với các lực lượng đồng minh và đây là cơ hội để học hỏi lẫn nhau, làm sâu sắc thêm năng lực hành động phối hợp, tạo nên sức mạnh lớn hơn.

Đại tá Richard Ikena cho biết thêm Mỹ sẽ triển khai một trung đội rocket phóng loạt cơ động cao (HIMARS) tới Estonia cùng với các thiết bị, hệ thống chỉ huy và kiểm soát liên quan. Mỹ sẽ phối hợp với Lực lượng Phòng vệ Estonia để thiết lập sư đoàn khung trong khuôn khổ NATO.

Theo kênh tin tức quốc tế RT của Nga, các quan chức quân sự ở Tallinn cho rằng nhu cầu tăng cường sự hiện diện của NATO ở nước này là do “môi trường an ninh đang xấu đi” ở châu Âu và “sự gây hấn vô cớ" của Nga ở Ukraine. Nhưng ở chiều ngược lại, Nga nhiều lần lên án việc NATO tập hợp lực lượng sát biên giới nước này, cũng như liên tục viện trợ vũ khí cho Ukraine. Moskva nhấn mạnh, điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không làm thay đổi được kết quả của nó.

Trong một diễn biến liên quan tới hành động gần đây của NATO, trên kênh Telegram cá nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga Dmitry Medvedev ngày 16/12 đã bày tỏ nghi ngờ với tuyên bố của về việc NATO không muốn chiến tranh với Moskva.

Ông Medvedev viết: “Liệu những hành động cung cấp lượng vũ khí khổng lồ cho Ukraine có thể được coi là một cuộc tấn công nhằm vào nước Nga hay không?… Giới lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO cùng tuyên bố đất nước của họ và toàn bộ khối không muốn chiến tranh với Nga. Nhưng mọi người đều nhận thức rõ vấn đề là hoàn toàn khác”.

Ông Medvedev cũng đề cập đến những gì có thể được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp hiện nay của Nga - gồm các binh sĩ đối phương, thiết bị quân sự và thiết bị phụ trợ, cũng như “lực lượng vũ trang các quốc gia khác đã chính thức tham chiến”.

Thành Nam/Báo Tin tức
Nga đẩy mạnh tấn công bằng tên lửa và UAV, Ukraine sắp nhận loạt vũ khí phòng không tối tân
Nga đẩy mạnh tấn công bằng tên lửa và UAV, Ukraine sắp nhận loạt vũ khí phòng không tối tân

Gần đây, Nga liên tục nã tên lửa và sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công nhiều khu vực khác nhau của Ukraine, gây thiệt hại lớn, nhất là với hạ tầng năng lượng. Để hỗ trợ, phương Tây có kế hoạch cung cấp cho Kiev một số loại vũ khí phòng không, bao gồm "lá chắn thép" Patriot.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN