Các quan chức cho biết Nga và NATO ngày 2/6 đã trao đổi “rất thẳng thắng” các quan điểm về cuộc khủng hoảng Ukraine, song không tìm được tiếng nói chung trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Nga - NATO kể từ khi Moskva sáp nhập Crimea. Phát biểu sau cuộc họp trên, nữ Phát ngôn viên NATO Oana Lungescu khẳng định cuộc họp đã cho thấy rõ rằng “có những quan điểm khác biệt căn bản về cuộc khủng hoảng này, căn nguyên của nó, về những gì đang diễn ra và cách thức giải quyết”.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen phát biểu tại phiên họp Nghị viện mùa Xuân của hội đồng nghị viện châu Âu ở Vilnius ngày 30/5. Ảnh: THX/TTXVN |
Các thành viên NATO đã nhắc lại lập trường mạnh mẽ và rõ ràng về sự sáp nhập bất hợp pháp Crimea, ca ngợi cuộc bầu cử ở Ukraine là cuộc bỏ phiếu suôn sẻ vì sự thống nhất của Ukraine và kêu gọi Nga can dự một cách xây dựng với tổng thống mới đắc cử của Ukraine.
Các thành viên NATO đồng thời hối thúc Nga “tôn trọng các cam kết quốc tế của mình, chặn đứng dòng chảy vũ khí qua biên giới và ngừng hỗ trợ các phần tử ly khai vũ trang ở Ukraine. Bên cạnh đó, Nga cũng cần rút các binh sĩ một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng.
Tuy nhiên, người phát ngôn Lungescu không cho biết đại diện Nga tại NATO Alexander Grushko đã phản ứng ra sao với những tuyên bố của phía NATO.
Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ là một nội dung chính trong chương trình nghị sự của hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 3-4/6 tại Brussels, trước thềm một hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) tại Brussels, nơi cũng sẽ đề cập đến vấn đề này.
Phương Tây chỉ trích dự thảo nghị quyết của Nga về Ukraine Cùng ngày, dự thảo nghị quyết của Nga kêu gọi lập tức ngừng bắn ở Ukraine và mở một hành lang nhân đạo đã vấp phải sự chỉ trích của Phương Tây cũng như phản ứng lạnh nhạt tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Nga đã không làm gì để ngăn chặn các phần tử ly khai tấn công những mục tiêu mới và bắt giữ quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) làm con tin.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc tham vấn kín kéo dài hàng giờ đồng hồ, Đại sứ Anh Mark Lyall Grant khẳng định văn bản của nghị quyết hầu như không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào. Ông tuyên bố “không ai bị thiếu thốn lương thực, không có sự vây hãm các thành phố, do đó không rõ tình trạng hay cuộc khủng hoảng nào sẽ biện minh cho các hành lang nhân đạo”.
Một quan chức ngoại giao Phương Tây khác nói bóng gió rằng Nga giới thiệu dự thảo nghị quyết nói trên để đánh lạc hướng chú ý của các thành viên HĐBA khỏi cuộc thảo luận đang diễn ra về cách thức thực thi các hành lang nhân đạo ở Syria. Theo ông, do nhận được rất ít sự ủng hộ, văn kiện này sẽ có thể nhanh chóng bị lãng quên.
TN (AFP)