NATO mong đợi những gì từ Tổng thống Mỹ trong lần gặp đầu tiên

Nhiều người mong đợi xem Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mang đến quan điểm gì với liên minh quân sự NATO trong Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cố thuyết phục Tổng thống Trump hợp tác nhiều hơn.

Kênh truyền hình CNN đưa tin ngày 25/5 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đầu tiên dưới cương vị tổng thống bên cạnh 27 quốc gia thành viên và tham gia lễ khánh thành một trụ sở mới của liên minh này tại Brussels (Bỉ).

Trước đó trong suốt thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần khiến các quốc gia thành viên NATO "đứng ngồi không yên" khi liên tục có những phát ngôn chỉ trích đồng minh.

Trấn an đồng minh


Các nhà lãnh đạo và quốc gia thành viên NATO đang hào hứng chờ đợi phát ngôn từ phía Tổng thống Donald Trump trong hội nghị tới, nhằm kiếm tìm một sự đảm bảo về cam kết của Mỹ với liên minh quân sự này.

Trước đó, những lời bình luận mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong thời gian vận động tranh cử nghi ngờ về tầm quan trọng của NATO đã khiến khác quốc gia thành viên e ngại, đặc biệt là những nước sát biên giới với Nga đang phải phụ thuộc vào sự ủng hộ từ phía Mỹ đối phó với những hoạt động được cho là “khiêu khích” từ Moskva.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây Tổng thống Donald Trump dường như đã thay đổi và "dịu giọng” dần với đồng minh. Rút lại lời tuyên bố NATO “lỗi thời”, trong một cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng vào tháng trước, Tổng thống Donald Trump cho biết liên minh này là “một tường đê chắn của nền hòa bình và an ninh quốc tế”. Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Tôi đã nói nó lỗi thời. Nhưng giờ nó không còn lỗi thời nữa”.

Trong bối cảnh thế đối đầu giữa Nga và NATO tại Đông Âu vẫn chưa hạ nhiệt, rất nhiều các quốc gia thành viên đợi chờ Tổng thống Donald Trump tái xác nhận sự cam kết của Mỹ với các đồng minh NATO theo Điều khoản số 5 của Hiến chương. Điều khoản này quy định rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một trong 28 quốc gia của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh và tất cả các thành viên đều cam kết sẽ hỗ trợ các quốc gia bị tấn công ngay lập tức. Kể từ khi có quy định này đến nay, chỉ duy nhất có một lần các đồng minh thực hiện Điều khoản số 5. Đó là sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố vào 11/9/2001 tại Mỹ, NATO đã tham chiến tại Afghanistan.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump khiến các thành viên NATO "sốc" khi ông gợi ý Mỹ chỉ nên bảo vệ những nước nào mà thực hiện được đầy đủ cam kết tài chính, "hoàn thành đủ nghĩa vụ” với Mỹ. Được phóng viên ghi nhận nhanh khi đang di chuyển trên chiếc Không lực Một, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết: “Tất nhiên chúng tôi ủng hộ Điều khoản số 5”, nhưng từ chối trả lời liệu Tổng thống Donald Trump có lặp lại sự tham gia của Mỹ với lời cam kết quốc phòng chung hay không.

Cam kết về mặt tài chính

Tổng thống Donald Trump cũng bày tỏ quan điểm rõ việc thúc ép các quốc gia thành viên tăng cường cam kết tài chính với NATO vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Trước đó, các quốc gia thành viên cam kết sẽ dành 2% GDP trong nước cho chi tiêu quốc phòng của NATO. Nhưng chỉ có một vài nước trong 28 quốc gia thực sự đạt được con số đó.

Ngoại trưởng Tillerson cho biết ông mong lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump tới các nước nhằm thúc đẩy cam kết quốc phòng sẽ trở thành “thông điệp chính” gửi tới NATO lần này. Ngoại trưởng Tillerson bày tỏ: “Tôi nghĩ các bạn có thể mong đợi Tổng thống sẽ nghiêm khắc. Nhìn xem, Mỹ đang chi đến 4%. Chúng ta làm rất nhiều. Người Mỹ đang làm rất nhiều để đảm bảo an ninh chung. Bạn phải đảm bảo rằng bạn đang hoàn thành phần đóng góp của bạn cho an ninh”. Trong khi vẫn chưa rõ Tổng thống Trump có nêu vấn đề này công khai hay không, song ông sẽ có cuộc gặp kín với một số lãnh đạo các quốc gia đồng minh vào bữa tiệc tối thứ Năm (25/5).

Quan hệ với Nga

Nga đang phải đối mặt với những chỉ trích từ phương Tây về việc hiện diện quân sự ở biên giới sát với các nước Đông Âu.. Không chỉ có vậy, phương Tây còn cáo buộc Nga can thiệp bầu cử các quốc gia thành viên NATO, trong đó bao gồm bầu cử Pháp thông qua tấn công mạng và các công cụ tuyên truyền.

Về phía Tổng thống Donald Trump, trong cuộc vận động tranh cử, ông cam kết sẽ cải thiện quan hệ Mỹ - Nga. Tuy nhiên, tháng trước, ông chủ Nhà Trắng thừa nhận quan hệ Nga - Mỹ "có thể thấp chưa từng thấy".

Hiện Tổng thống Donald Trump tại quê nhà đang phải đối mặt với một loạt bê bối liên quan đến thông tin ông chia sẻ tin mật với Nga và vướng vào cuộc điều tra của liên bang về mối liên hệ giữa ban vận động chiến dịch của ông và quan chức Nga trong suốt thời gian tranh cử.

Cuộc chiến chống IS


Trong khi có một vài nước NATO đã cùng Mỹ tạo thành một liên minh truy quét tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, cả liên minh vẫn chưa tham gia trận chiến. Tổng thống Donald Trump luôn nhấn mạnh ông muốn thấy NATO phải nỗ lực gấp đôi trong công cuộc chống chủ nghĩa khủng bố - một trong những mối đe dọa lớn nhất với phương Tây. Tháng trước, Tổng thống Trump bày tỏ hi vọng “NATO sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc ủng hộ đối tác Iraq trong cuộc chiến chống IS’.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
NATO sẽ tham gia liên quân chống IS
NATO sẽ tham gia liên quân chống IS

Đại sứ của toàn bộ 28 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tìm được tiếng nói chung về khả năng tham gia liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu, mở đường để lãnh đạo các nước này thông qua đề xuất dự kiến sẽ được Mỹ đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của khối quân sự diễn ra ngày 25/5 tại Brussels, Bỉ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN