Chủ tịch Ủy ban Quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tướng Petr Pavel đã kêu gọi liên minh này cân nhắc tham gia đầy đủ vào liên quân quốc tế chống IS. Ảnh: EPA/TTXVN |
Ngày 24/5, hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một số nhà ngoại giao giấu tên của châu Âu xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết Pháp và Đức, hai nước vốn dè dặt trước đề xuất này, đã đồng ý ủng hộ kế hoạch dù tin rằng sự tham gia của NATO chỉ nên mang tính biểu tượng. Một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp cho biết Paris sẵn sàng chấp nhận việc NATO tham gia liên minh chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng với vai trò chỉ nên giới hạn trong nhiệm vụ huấn luyện và tình báo.
Trước đó, Pháp và Đức bày tỏ quan ngại về việc tăng cường vai trò của NATO trong chiến dịch chống khủng bố. Một trong số đó là việc NATO sẽ phải tham gia vào các chiến dịch triển khai quân tốn kém, gây ảnh hưởng đến quan hệ với các quốc gia Arab hoặc làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự với Nga ở Syria.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Chính phủ Pháp Christophe Castaner cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Donald Trump tại Brussels trong ngày 25/5. Tại cuộc gặp này, tân Tổng thống Pháp sẽ nêu rõ với nhà lãnh đạo Mỹ rằng ông hiểu và đồng tình với lời kêu gọi của Washington về gia tăng vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc đưa liên minh này thành một lực lượng tấn công nhằm vào IS.
Tất cả 28 quốc gia thành viên NATO đều đang tham gia riêng rẽ vào liên minh chống IS. Tuy nhiên, việc khối quân sự này trở thành một phần của chiến dịch có thể giúp thúc đẩy các cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và Syria. NATO có thể đóng góp trang thiết bị, hỗ trợ huấn luyện và trao đổi kinh nghiệm mà liên minh này thu được từ sứ mệnh chỉ huy chiến dịch chống al-Qaeda và Taliban tại Afghanistan.
Phát biểu ngày 24/5, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã hoan nghênh việc NATO tham gia liên minh chống khủng bố hiện do Mỹ dẫn đầu là "một bước đi quan trọng". Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng động thái trên sẽ cung cấp một nền tảng tốt hơn cho công tác điều phối hoạt động giữa các đồng minh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. gửi đi thông điệp rõ ràng về sự thống nhất và đoàn kết giữa các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những vụ tấn công đẫm máu như vụ đánh bom liều chết tại thành phố Manchester của Anh.
Dự kiến chủ nghĩa khủng bố sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra từ ngày 24-25/5 tại Brussels, Bỉ.