Phát biểu với báo giới ngày 17/5 trong chuyến bay từ Bỉ trở về Mỹ, Tướng Dunford cho biết liên minh quân sự 28 thành viên này "có thể sắp xếp để đảm trách nhiệm vụ huấn luyện trong dài hạn" ở Iraq.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph F. Dunford tại một sự kiện ở Washington, DC ngày 22/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo quan chức này, NATO có thể cung cấp hỗ trợ huấn luyện trong các lĩnh vực như hậu cần, thiết lập quy trình mua sắm vũ khí, xây dựng năng lực tổ chức, kỹ năng lãnh đạo và lý thuyết học thuật.
Được biết, tăng cường vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố hiện do Mỹ dẫn đầu sẽ là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới ở Brussels (Bỉ). Nhiều thành viên NATO cho rằng Tổng thống Trump, trong lần đầu tiên tham dự sự kiện này, sẽ công bố kế hoạch để hiện thực hóa chủ trương trên.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một quan chức giấu tên của NATO cho biết hai nước Pháp và Đức có một số quan ngại đối với việc tăng cường vai trò của NATO trong chiến dịch chống khủng bố.
Một trong số đó là quan ngại NATO sẽ phải tham gia vào các chiến dịch triển khai quân tốn kém, gây ảnh hưởng đến quan hệ với các quốc gia Arab hoặc làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự với Nga ở Syria. Một số nước khác như Hà Lan và Italy cũng tỏ thái độ dè dặt. Các quan chức Pháp và Đức từ chối bình luận về thông tin này.
Trong khi đó, phát biểu với phóng viên sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và lãnh đạo quân sự các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Tướng Petr Pavel cho biết tất cả các thành viên riêng rẽ NATO đều đang tham gia vào liên minh chống IS và đã đến lúc cần cân nhắc NATO cũng tham gia liên minh này.
Hồi tuần trước, trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng để ngỏ khả năng trên, tuy nhiên, cả bà và ông Stoltenberg bác bỏ phương án liên minh này sẽ tham chiến.