Nam Phi xem xét ban hành lệnh phong tỏa một số thành phố lớn

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, ngày 22/3, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này đã ghi nhận thêm 34 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tại nước này lên 274 người.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt trước cổng một cơ quan Chính phủ tại thủ đô Pretoria, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng/PV TTXVN tại Nam Phi

Trong số này, có 208 trường hợp từng đến những quốc gia nằm trong vùng dịch, số còn lại đã từng tiếp xúc với những người này. Hiện tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô Pretoria và thành phố Johannesburg, có số ca nhiễm cao nhất với 132 trường hợp, tiếp đến là tỉnh Western Cape với 88 trường hợp.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, Văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết sẽ thành lập một nhóm chuyên gia dịch tễ học để giúp Chính phủ đưa ra những biện pháp phù hợp.

Dự kiến, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ đọc thông điệp quốc gia ngày 23/3, trong đó tập trung vào các biện pháp ứng phó trước sự lây lan của dịch COVID-19, cũng như kế hoạch giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội.

Theo truyền thông Nam Phi, nhiều khả năng Tổng thống Ramaphosa sẽ ban hành lệnh phong tỏa tại một số thành phố lớn.

* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Algiers, Bộ Y tế Algeria cho biết nước này đã ghi nhận thêm 62 ca mới, nâng tổng số ca trên cả nước lên 201 trường hợp. Trong số này, có 17 người đã tử vong. 

Thành phố Blida, cách thủ đô Algiers khoảng 50 km, hiện vẫn là tâm dịch khi có 110 trường hợp mắc bệnh và 8 ca tử vong. Từ Blida, dịch COVID-19 đã lan rộng ra hơn 17 tỉnh thành trong cả nước.

Sau khi số người nhiễm virus tăng đột biến, Bộ trưởng Y tế Algeria Abderrahmane Benbouzid tuyên bố nước này đã chuyển sang giai đoạn 3 của dịch COVID-19. Ông cũng kêu gọi các cơ quan chức năng và người dân Algeria cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019, chính quyền Algeria đã sớm đưa ra các biện pháp phòng ngừa như siết chặt giám sát tại tất cả các cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng không và đường biển. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát mạnh tại châu Âu, số lượng ca nhiễm tại Algeria cũng tăng lên hàng ngày do nhiều người Algeria đi du lịch trở về và cả những người Algeria sinh sống ở châu Âu trở về nước để tránh dịch. 

Trong những ngày qua, Algeria đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh như đóng cửa tất cả các biên giới trên đất liền, tạm dừng khai thác các tuyến chở hành khách bằng đường hàng không và đường biển; dừng các tuyến đường sắt, giao thông công cộng đô thị và các tuyến giao thông liên tỉnh; đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo trong cả nước; đóng cửa các khu vui chơi giải trí và nhà hàng; cho phép công chức được nghỉ làm mà vẫn hưởng nguyên lương; riêng tại những cơ quan quan trọng, công chức sẽ được nghỉ luân phiên.

* Trong khi đó, Chính phủ Botswana thông báo Tổng thống Botswana Mokgweetsi Masisi đã tự cách ly sau khi tới thăm quốc gia láng giềng Nambia tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Hage Geingob vào ngày 21/3 vừa qua. 

Nambia hiện đã ghi nhận 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo thông báo của Chính phủ Botswana, mặc dù các ca này đều từ nước ngoài về và nguy cơ lây nhiễm trong nước được xem là thấp, song nguyên nhân có thể là do tỷ lệ xét nghiệm thấp tại khu vực miền Nam châu Phi.

Thông báo nêu rõ, trong thời gian cách ly kéo dài 14 ngày, Tổng thống Masisi sẽ làm việc tại tư dinh. Các thành viên trong phái đoàn đi cùng tổng thống cũng sẽ được áp dụng các biện pháp hạn chế tương tự.

Cho đến nay, Botswana là một trong số ít những quốc gia châu Phi vẫn chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nào.

* Tại Maroc, quân đội đã triển khai xe thiết giáp để thực thi tình trạng khẩn cấp, sau khi có nhiều người vẫn đi cầu nguyện bất chấp lệnh cấm. Lực lượng an ninh quốc gia Maroc (DGSN) thông báo đã bắt giữ 2 người tại thành phố Tangiers do vi phạm quy định. 

Lệnh tình trạng khẩn cấp y tế tại Maroc đã có hiệu lực từ tối 20/3. Các lực lượng an ninh và quân đội đã được triển khai tuần tra trên các con phố. Các đền thờ tại Maroc đều đã đóng cửa, trong khi giới chức tôn giáo kêu gọi các tín đồ cầu nguyện ở nhà. Người dân được yêu cầu ở trong nhà, các phương tiện giao thông công cộng và việc đi lại giữa các thành phố đều bị hạn chế cho đến ngày 20/4 nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Những đối tượng vi phạm sẽ bị phạt đến 3 tháng tù và khoản tiền 1.300 dirham (tương đương 135 USD).

Tính đến ngày 22/3, số ca mắc COVID-19 tại Maroc đã lên tới 115 người.

Phi Hùng - Quang Trường - Đặng Ánh (TTXVN)
COVID-19: Nam Phi thêm 52 ca nhiễm mới, chủ yếu lây ở gia đình và cộng đồng
COVID-19: Nam Phi thêm 52 ca nhiễm mới, chủ yếu lây ở gia đình và cộng đồng

Ngày 20/3, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này đã ghi nhận thêm 52 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó đa số là các ca lây nhiễm trong gia đình và cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia châu Phi này lên thành 202 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN