Na Uy phê chuẩn tiêm vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford cho người trên 65 tuổi

Ngày 9/3, Cơ quan Y tế công cộng Na Uy đã khuyến cáo rằng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng AstraZeneca/Oxford có thể được sử dụng cho người trên 65 tuổi, hy vọng việc này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho người cao tuổi. Chính phủ Na Uy cùng ngày cho biết sẽ làm theo khuyến cáo của cơ quan trên.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi được tại Oslo, Na Uy. Ảnh: AFP/TTXVN

Ban đầu, Na Uy đã hạn chế sử dụng vaccine này cho người trên 65 tuổi vì công ty Anh - Thụy Điển nói trên chưa thực hiện đủ nghiên cứu ở nhóm tuổi này. Tuy nhiên, tiếp nối bước đi của Pháp, Đức, Italy và một số nước láng giềng phía Bắc, Cơ quan y tế công cộng Na Uy đã khuyến cáo cho phép sau khi có kết quả các nghiên cứu của Anh được thực hiện ở người cao tuổi.

Bên cạnh việc tiêm vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford cho người cao tuổi, Na Uy cũng muốn tăng thời gian chờ giữa hai mũi tiêm của các vaccine của hãng Pfizer/BioNtech và Moderna từ 3 lên 6 tuần. Tuy nhiên, quyết định về việc này cần được cơ quan trên phê chuẩn.

Cơ quan Y tế công cộng cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu khả năng kéo dài thời gian chờ nhiều hơn 6 tuần để có thể nhanh chóng tiêm liều đầu tiên cho nhiều người hơn.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Erna Solberg cho biết: "Chúng tôi hy vọng tất cả người trưởng thành sẽ được tiêm vaccine trước hoặc trong mùa hè tới". Bà cũng tăng quyền cho các cơ quan y tế địa phương trong việc tìm cách ngăn chặn xu hướng số ca nhiễm tăng cao hiện nay. Bà cho biết: "Nếu chúng ta có thể kiểm soát dịch trong tháng 3 - 4, thì đất nước có thể bình thường trở lại từ tháng 5". Nếu không, các cơ quan chức năng có thể cần áp đặt các biện pháp phòng dịch mới trên cả nước, bao gồm cả việc cấm đồ uống có cồn và đóng cửa các công trình công cộng.
   
* Tại Ireland, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (HSE) Paul Reid cho biết nước này có thể nhận được những liều vaccine đầu tiên của hãng Johnson & Johnson từ giữa tháng 4 tới chứ không thể sớm hơn như kế hoạch ban đầu. Đây là loại vaccine chỉ cần một liều tiêm và dự kiến sẽ được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng vào ngày 11/3 tới. Các quan chức EU cho biết việc phân phối vaccine này có thể bắt đầu từ tháng 4.

Theo kế hoạch mới nhất, Ireland dự kiến sẽ nhận được 602.000 liều vaccine của hãng Johnson & Johnson trong quý II, khoảng 15% tổng lượng vaccine cung cấp theo quý, và sẽ bắt đầu tiêm chủng ngay từ tuần đầu tháng 4.

Đến nay, Ireland đã tiêm gần 525.000 liều vaccine cho 4,9 triệu dân, chủ yếu dùng vaccine 2 liều của hãng Pfizer-BioNTech. Khoảng 150.000 người đã được tiêm liều thứ hai.

* Tại Ukraine, Bộ Y tế thông báo đã phê chuẩn vaccine CoronaVac của hãng Sinovac (Trung Quốc). Trước đó, công ty dược Lekhim - một trong các đối tác của Sinovac - đã đạt thỏa thuận giao 5 triệu liều vaccine cho Ukraine, trong đó 1,9 triệu liều thông qua cơ chế mua nhà nước. Tháng trước, Lekhim đã trình hồ sơ xin cấp phép vaccine này. Một quan chức cấp cao cho biết cơ quan chức năng có thể phạt hành chính đối với công ty này nếu giao hàng không đúng hẹn.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac tại nhà máy sản xuất ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ukraine, một trong những nước nghèo ở châu Âu, chậm hơn nhiều nước láng giềng trong chiến dịch tiêm vaccine và đang đề nghị EU hỗ trợ trong khi từ chối mua vaccine Sputnik V của Nga.

Ukraine đã bắt đầu tiêm phòng từ cuối tháng 2 và mới tiêm được 19.118 liều đầu tiên tính đến ngày 9/3. Bộ trưởng Y tế Maksym Stepanov kêu gọi chính quyền các vùng đẩy nhanh tiến độ tiêm, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh.

Bích Liên (TTXVN)
Cơ quan phát triển vaccine Sputnik V đề nghị EMA xin lỗi
Cơ quan phát triển vaccine Sputnik V đề nghị EMA xin lỗi

Ngày 9/3, Viện Gamaleya, cơ quan phát triển vaccine Sputnik V của Nga, đã yêu cầu Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra lời xin lỗi sau khi bà Christa Wirthumer-Hoche, người đứng đầu ban quản lý cơ quan này, kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) không vội vàng cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V và so sánh việc phê chuẩn khẩn cấp này mạo hiểm như "trò cò quay Nga".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN