Tài khoản Wechat của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/3 chính thức công bố mẫu giấy chứng nhận y tế quốc tế phục vụ cho hoạt động di chuyển quốc tế đối với công dân nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cùng ngày cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng giải tỏa quan ngại mà các nước nêu ra; hợp tác, thúc đẩy cơ chế công nhận chứng nhận y tế lẫn nhau cũng như tháo gỡ vướng mắc trong cấp thị thực, tạo thuận lợi cho di chuyển xuyên biên giới.
Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẽ khởi động cấp chứng nhận y tế để người dân có thể đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, ông Vương Nghị không nói rõ liệu người nước ngoài cư trú tại Trung Quốc có thuộc diện được cấp chứng nhận hay không.
Giấy chứng nhận sẽ được cấp theo cả hai định dạnh điện tử và văn bản giấy, chứa đựng thông tin về tên tuổi, kết quả xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm PCR và tình trạng tiêm vaccine ngừa COVID-19 của người được cấp. Chứng nhận bản điện tử sẽ có mã QR bảo mật, giúp cơ quan chức năng nước khác xác nhận tính xác thực và đọc thông tin cá nhân. Từ bản điện tử cũng có thể dễ dàng in ra bản giấy.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh bên lề kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) ngày 7/3, ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc đã lên kế hoạch công nhận chứng nhận tiêm vaccine với các nước khác. Việc làm này sẽ giúp thúc đẩy nhanh việc cấp thị thực, tạo điều kiện dễ dàng hơn đối với hoạt động di chuyển xuyên biên giới, để hoạt động giao lưu nhân dân diễn ra an toàn, lành mạnh và trật tự.
Động thái này cho thấy, Trung Quốc tới đây có thể sẽ nới lỏng một số quy định hạn chế đi lại với những đối tượng chứng minh được rằng họ miễn nhiễm SARS-CoV-2 hoặc không bị nhiễm chủng virus này. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ dàng.
Trước đó, Bắc Kinh đã kiểm soát chặt chẽ biên giới khi đại dịch lây lan trên toàn cầu, không cho phép nhập cảnh đối với công dân một số nước bị xem là điểm nóng về COVID-19, buộc khách du lịch thực hiện cách ly bắt buộc khi vào Trung Quốc.
Một số nước, nhất là nhóm các nước đi đầu về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và nước mà nền kinh tế dựa nhiều vào du lịch, đang tìm cách đẩy nhanh việc cấp hộ chiếu vaccine, với mục đích cấp phép cho những người đã được tiêm chủng có thể di chuyển giữa các nước, kích cầu du lịch, phục hồi ngành hàng không và giúp sớm mở cửa trở lại nền kinh tế nhanh nhất có thể.
Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đang có kế hoạch cấp “Thẻ xanh kỹ thuật số” – một hình thức của hộ chiếu vaccine, để nối lại các hoạt động di chuyển xuyên biên giới vào mùa hè này.
Israel, Australia cũng đã thực hiện chương trình hộ chiếu vaccine nội địa, chỉ cho phép người đã tiêm vaccine, hoặc có chứng nhận miễn nhiễm COVID-19, mới được quyền đến phòng tập gym, các buổi hòa nhạc và các địa điểm công cộng khác. Thái Lan đang tính triển khai một hệ thống hộ chiếu vaccine nhằm khởi động ngành du lịch trong năm nay.
Về phần mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho đến nay vẫn chưa ủng hộ ý tưởng cấp "hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy hoạt động đi lại. WHO cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng hộ chiếu vaccine, bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa COVID-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế.
Giới chuyên gia nhận định, triển khai sáng kiến về hộ chiếu vaccine rất phức tạp, do các nước có quy định khác nhau về hạn chế đi lại, dữ liệu riêng tư cũng như tính hiệu quả của từng loại vaccine đối với các biến thể khác nhau củ SARS-CoV-2. Mỗi một khu vực lại sử dụng hệ thống khác nhau về thu thập, lưu trữ thông tin liên quan đến đại dịch. Ngoài ra, còn có những lo ngại riêng về tình trạng bất bình đẳng giữa các nước khi thực hiện hộ chiếu vaccine.