Tuy nhiên, tờ báo lưu ý rằng, số liệu kể trên chỉ là những thông tin được báo chí công bố và "có bằng chứng rõ ràng về sự căm ghét vì lý do chủng tộc", đồng nghĩa với việc có thể còn nhiều vụ việc hơn thế trên thực tế.
Dựa trên kết quả điều tra, tờ báo nhận định "sự thù ghét như một động cơ là điều khó chứng minh về mặt lịch sử", đồng thời cho rằng kết quả thống kê có thể chỉ là một phần nhỏ của tình hình bạo lực và quấy rối mà những người gốc châu Á phải đối mặt trong năm qua, vì vấn đề thù hận thường được thống kê và báo cáo không đầy đủ và chỉ những vụ việc nghiêm trọng nhất mới thu hút sự chú ý. Ngoài ra, cũng có thể là do số lượng các báo cáo cho các cơ quan thực thi pháp luật và các phương tiện truyền thông về vấn đề này đã tăng lên.
Tội phạm thù hận được báo cáo với cảnh sát đã tăng đột biến trong thời gian qua, không chỉ tại các thành phố lớn như New York, Los Angeles, Seattle, Boston, San Jose và Dallas, mà còn ở các vùng khác của nước Mỹ, bao gồm cả các thị trấn nhỏ hơn. Các cuộc tấn công bằng lời nói và thể chất cũng như hành vi phá hoại đã tăng đột biến trong tháng trước, vượt qua mức tăng vào tháng 3/2020. Vụ việc đầu tiên được báo cáo ở thành phố Chicago vào ngày 21/3, sau khi hai phụ nữ ném một khúc gỗ và nhổ nước bọt vào một người đàn ông Mỹ gốc Hoa 60 tuổi, cáo buộc người này bị bệnh và bảo ông ta "quay trở lại Trung Quốc". Gần đây nhất là vụ phá hoại tại một nhà thờ ở Seattle, nơi có những bức vẽ graffiti với lời lẽ phân biệt chủng tộc nhằm vào người Trung Quốc.
Phản ứng trước các vụ việc trên, hoạt động quyên góp dành cho cộng đồng người Mỹ gốc Á và các quốc đảo Thái Bình Dương đã tăng lên trong năm 2020, nhưng các tổ chức và nhóm cộng đồng cảnh báo rằng sự ủng hộ này có thể sẽ không bền vững.