Theo ABC News, Lee Wong, một ủy viên hội đồng thị trấn West Chester, ở ngoại ô Cincinnati (bang Ohio), đã có bài phát biểu và hành động ấn tượng nhằm phản đối làn sóng gia tăng các tội phạm thù ghét nhằm vào người Mỹ gốc Á.
Lee cho biết ông đã im lặng quá lâu kể từ khi trở thành nạn nhân chỉ vì chủng tộc của mình.
“Mọi người đặt câu hỏi về lòng yêu nước của tôi, rằng tôi không đủ giống người Mỹ. Họ không thể chỉ nhìn vào khuôn mặt này. Tôi muốn cho các bạn thấy điều này, vì tôi không sợ… Tôi sẽ cho các bạn thấy lòng yêu nước trông như thế nào”, Lee Wong vừa nói vừa cởi áo khoác, rồi bật từng cúc áo sơ mi.
Sau cùng ông đứng dậy, vén áo may ô bên trong, để lộ cả mảng sẹo lớn đáng sợ ngang ngực, hậu quả của vết thương khi ông còn phục vụ trong quân đội Mỹ. Lee nói: “Đây là bằng chứng của tôi. Yêu nước thế này đã đủ chưa?.
Đoạn video bài phát biểu của ông đã gây xôn xao cộng đồng mạng, thu hút một làn sóng người ủng hộ mạnh mẽ, phản đối nạn kỳ thị chủng tộc đang gia tăng trong đại dịch tại Mỹ.
Xem video Lee Wong cởi áo để lộ vết sẹo trong quân ngũ (Nguồn: ABC News)
Lee Wong giải thích rằng ông từ đảo Borneo đến Mỹ năm 18 tuổi và 2 năm sau đó đã bị đánh đập tệ hại ở Chicago, nhưng thủ phạm chưa bao giờ bị cáo buộc tội. Vụ việc đã thay đổi quỹ đạo cuộc đời Lee, khiến ông phải nhập ngũ và sau này trở thành một quan chức dân cử ở địa phương để có cơ hội cải thiện cộng đồng của mình.
Cuộc họp nói trên là sự kiện đầu tiên của Hội đồng thị trấn West Chester kể từ sau vụ xả súng bắn chết 6 phụ nữ gốc Á tại thành phố Atlanta hôm 16/3.
“Tôi đã không chuẩn bị hay viết sẵn điều gì. Tôi nghĩ cho xem vết sẹo đó là cần thiết trước tất cả những chuyện đang xảy ra, từ vụ xả súng Atlanta tới những vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á tại các nhà hàng địa phương ở đây”, ông Lee Wong nói.
Lee cho biết ông đã chứng kiến tình trạng thù ghét chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á đã tăng lên trong những năm qua. Đại dịch COVID-19, với nghi vấn về nguồn gốc dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc, được coi là một trong những động cơ gây gia tăng phân biệt đối xử với người châu Á tại Mỹ.
Từ ngày 19/3/2020 đến 28/2/2021, có tới trên 3.795 vụ việc, bao gồm quấy rối bằng lời nói và hành hung nhằm vào người Mỹ gốc Á – Thái Bình Dương – theo báo cáo của Tổ chức Ngăn chặn Thù hận AAPI, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi những vụ việc như vậy.
Lee Wong cho biết ông đã bị thương, để lại những vết sẹo trên ngực trong một cuộc huấn luyện chiến đấu ở căn cứ Fort Jackson, bang South Carolina.
Lee đã phục vụ trong quân đội Mỹ suốt 20 năm, từng được triển khai đến Đức và Hàn Quốc. Nhưng bất chấp sự cống hiến đó, ông vẫn liên tiếp hứng chịu nạn kỳ thị, kể cả trong cộng đồng của mình.
“Điều làm tổn thương tôi nhất là những người đến chỗ tôi lớn tiếng và trơ tráo nói với tôi rằng tôi không đủ là người Mỹ, tôi không 'giống người Mỹ' hoặc tôi ‘không đủ yêu nước khi cầm cờ Mỹ, khoác áo và đội mũ của người lính nghỉ hưu đi lại quanh Hội đồng Bầu cử”, ông nói, “Thật là xấu xí khi người ta làm như vậy, để giễu cợt người Mỹ gốc Á và nói rằng chúng tôi kém ưu việt hơn”.
Lee kể, một ngày vào tháng 10 năm ngoái, một người đàn ông xuất hiện bên ngoài nhà ông với trang phục như ninja. “Tôi biết đó là cách để đe dọa tôi. Tôi đã im lặng”. Nhưng hắn ta thì không. “Tôi học được rằng, khi bạn không lên tiếng, đó là lúc rắc rối bắt đầu”, cựu binh gốc Á chia sẻ.
Ông cảnh báo rằng những sự cố nhằm vào người Mỹ gốc Á không phải là điều gì mới, nhưng nó đang gia tăng mạnh trong đại dịch COVID-19.
“Kỳ thị chủng tộc chống người Mỹ gốc Á đã tồn tại suốt một thời gian dài, từ những năm 1800 với Đạo luật Trục xuất. Nhưng nó trở nên xấu xí hoang dã trong vài năm gần đây, với những cụm từ như ‘virus Trung Quốc’, và cách quốc gia này xử lý đại dịch, rồi họ đổ lỗi điều đó cho người gốc Á? Thật là điên khùng”, Lee Wong phẫn nộ nói.