Mỹ và Taliban phủ nhận việc thảo luận thành lập chính phủ lâm thời Afghanistan 

Đại diện của Mỹ và Taliban ngày 24/8 đã đồng loạt bác bỏ thông tin truyền thông cho rằng hai bên đã thảo luận về việc thành lập một chính phủ lâm thời tại Afghanistan trong khuôn khổ vòng hòa đàm thứ 9 tại Doha bắt đầu từ 2 ngày trước đó. 

Chú thích ảnh
Phái đoàn Mỹ (trái) và phái đoàn Taliban (phải) tại vòng đàm phán ở Doha, Qatar ngày 26/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố trên Twitter, người phát ngôn Taliban, Suhail Shaheen đã khẳng định thông tin trên "không có thật". Ngay sau đó, đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan, Zalmay Khalilzad xác nhận Washington và Taliban không có bất cứ cuộc thảo luận nào về việc thành lập chính phủ Afghanistan lâm thời. Đại diện của Mỹ nhấn mạnh: "Các quyết định về vấn đề điều hành đất nước Afghanistan do chính người Afghanistan đưa ra trong các cuộc đàm phán nội bộ". 

Theo hãng tin AFP, ngày 24/8, Mỹ và Taliban đã bước vào ngày phán thứ 2 trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 9 tại Doha do ngày họp 23/8 bị hoãn lại.

Đánh giá về kết quả ngày họp đầu tiên 22/8, người phát ngôn của Taliban cho biết hai bên đã đạt được tiến bộ và sẽ tiếp tục thảo luận về cơ chế thực thi thỏa thuận và một số vấn đề mang tính kỹ thuật. Ông Shaheen cho biết một thỏa thuận sẽ được hoàn tất sau khi Mỹ và Taliban nhất trí về những vấn đề nêu trên. 

Trong khi đó, đặc phái viên Khalilzad cũng bày tỏ lạc quan về khả năng hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình vào ngày 1/9, chưa đầy 1 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan.

Mỹ và Taliban đã tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình gồm 4 vấn đề chính đó là: phiến quân Taliban đảm bảo sẽ không cho phép các tay súng nước ngoài sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công bên ngoài lãnh thổ; các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân hoàn toàn; đối thoại giữa các bên tại Afghanistan và thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn. Theo giới phân tích, hiện hai bên vẫn đang gặp vướng mắc trong việc giải quyết một số vấn đề trong đó có chia sẻ quyền lực và tương lai của chính quyền hiện nay tại Afghanistan.

Về phần mình, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Afghanistan Ashraf Ghani cho biết chính phủ nước này sẵn sàng tham gia bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Taliban và sẽ chờ dự thảo thỏa thuận cuối cùng giữa Mỹ - Taliban để thảo luận toàn diện trước khi văn kiện này được ký kết. Theo ông, Afghanistan sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng ngay cả khi 5.000 binh lính Mỹ rút quân khỏi nước này trong 5 tháng tới.

Cuộc xung đột tại Afghanistan bị coi là đẫm máu nhất của thế giới trong năm 2018. Thống kê cho thấy 32.000 dân thường tại quốc gia Tây Nam Á này đã thiệt mạng trong 10 năm qua. Khoảng 20.000 binh sĩ nước ngoài, chủ yếu là quân nhân Mỹ, hiện đang đồn trú tại Afghanistan như một phần trong sứ mệnh của NATO, do Mỹ đứng đầu, để huấn luyện, hỗ trợ và cố vấn cho các lực lượng nước này. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ còn thực hiện sứ mệnh chống khủng bố. Hiện Washington hướng tới việc chấm dứt can dự vào chiến trường Afghanistan - nơi cường quốc này đã tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD kể từ khi triển khai quân đội tới đây hồi năm 2001. Đây cũng là chủ trương của Tổng thống Donald Trump ngay từ khi ông mới nhậm chức vào tháng 1/2016.

Lan Phương  (TTXVN)
Mỹ và Taliban tiến hành vòng đàm phán thứ 9
Mỹ và Taliban tiến hành vòng đàm phán thứ 9

Mỹ và phiến quân Taliban ngày 22/8 đã bắt đầu vòng đàm phán thứ 9 tại Doha (Qatar).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN