Mỹ và Israel chỉ trích thỏa thuận hòa giải Fatah-Hamas

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, sau thông báo về quyết định hòa giải giữa hai phái đối địch Fatah và Hamas của Palestine ngày 23/4, Israel đã hủy cuộc đàm phán hòa bình với Palestine dự kiến diễn ra cùng ngày. Các quan chức Israel và Mỹ cũng chỉ trích động thái trên của Palestine.

Trưởng đoàn đàm phán Israel Tzipi Livni cho rằng thỏa thuận hòa giải giữa hai phái Palestine "khó hiểu và gây tổn hại các nỗ lực hòa bình". Theo bà Livni, trong nhiều năm qua, Hamas đã từ chối chấp nhận các điều kiện của Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông, như công nhận Israel, chấm dứt bạo lực và công nhận các thỏa thuận được ký kết trước đây giữa Israel và Palestine. Israel sẽ phải kiểm tra ý nghĩa của thỏa thuận Hamas-Fatah để quyết định bước đi tiếp theo. Nhiều quan chức cấp cao Israel cho rằng Palestine không thực sự muốn một hiệp định hòa bình với Israel.

Các đại diện của Fatah và Hamas tại cuộc đàm phán ngày 22/4 ở Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó, Mỹ cho rằng động thái thống nhất hai phái Hamas-Fatah là "đáng thất vọng về nội dung cũng như thời điểm". Phát biểu ngay sau khi Israel thông báo hủy cuộc gặp với Palestine, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh quyết định hòa giải của hai phái Palestine "chắc chắn sẽ làm phức tạp tiến trình hòa bình". Bà Psaki cho rằng Hamas không sẵn sàng tuân thủ các nguyên tắc cơ bản mà chính phủ Mỹ mong đợi để tham gia tiến trình hòa bình. Mỹ hiện xem Hamas là một tổ chức khủng bố.

Truyền thông Israel dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Washington có thể cắt viện trợ tài chính cho chính quyền Palestine nếu Hamas hòa giải mà không thể hiện quan điểm ôn hòa và từ bỏ bạo lực. Theo một quan chức Israel, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu đã gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry để chỉ trích thỏa thuận của hai phái Palestine, cho rằng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas không quan tâm tới hòa bình.

Trước đó, Ngoại trưởng Israel Avigdor Liberman cảnh báo rằng thỏa thuận thống nhất Palestine có thể đồng nghĩa với việc chấm dứt các cuộc đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, thủ lĩnh Công đảng đối lập Israel, ông Isaac Herzog, cho rằng sự hòa giải của hai phái Palestine xuất phát từ việc ông Netanyahu thiếu sáng kiến hòa bình. Thủ lĩnh đảng Meretz, bà Zehava Gal-On cũng cho rằng ông Netanyahu đã đẩy ông Abbas về phía Hamas cũng như buộc Tổng thống Palestine phải lựa chọn giữa Hamas và Israel. Theo bà Gal-On, sự hòa giải giữa Dải Gaza và Bờ Tây cần thiết và có lợi cho bất cứ thỏa thuận hòa bình nào giữa Palestine và Israel.

Hamas và Fatah đã ký thỏa thuận hòa giải ngày 23/4, sau gần 7 năm chia rẽ. Theo đó, hai bên nhất trí duy trì những thỏa thuận trước đây, sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết lâm thời trong vòng 5 tuần và tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 6 tháng.


Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định thỏa thuận mà ông đã đạt được với nhóm vũ trang Hamas không mâu thuẫn với các cuộc hòa đàm mà ông đang theo đuổi với Israel. Ông nhấn mạnh một nhà nước độc lập cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Israel vẫn là mục tiêu mà Palestine hướng tới.

Cùng ngày 23/4, máy bay chiến đấu Israel đã tiến hành không kích khu vực miền Bắc Dải Gaza, làm 12 người bị thương. Vụ không kích diễn ra khi hàng nghìn người đổ ra đường phố ở Dải Gaza để ăn mừng thỏa thuận giữa Hamas và Fatah tiến tới thành lập chính phủ đoàn kết, chấm dứt 7 năm chia rẽ chính quyền.


TTXVN/Tin tức
Palestine: Hamas, Fatah nhất trí thành lập chính phủ
Palestine: Hamas, Fatah nhất trí thành lập chính phủ

Phong trào Hồi giáo Hamas và Đảng Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas ngày 23/4 đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập chính phủ đoàn kết chuyển tiếp trong vòng 5 tuần và tiến hành cuộc tổng tuyển cử trong vòng 6 tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN