Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sở dĩ Washington lựa chọn và thúc đẩy cách tiếp cận nêu trên là bởi các nghị quyết mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua dường như không mấy phát huy tác dụng khi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử tên lửa.
Kể từ giữa tháng 4/2016 đến nay, Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành 4 vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Theo giới phân tích, việc liên tiếp tiến hành thử tên lửa là cách mà Triều Tiên phản ứng lại các nghị quyết của HĐBA LHQ. Trong bối cảnh đó, Washington đã siết chặt hơn nữa lệnh trừng phạt về tài chính chống lại Bình Nhưỡng.
Đầu tuần này, Mỹ tuyên bố rằng Triều Tiên là "mối quan ngại toàn cầu về nạn rửa tiền". Như vậy, Mỹ đã cụ thể hóa lộ trình chính sách của họ khi Bộ Tài chính nước này xác định Triều Tiên là "mối quan ngại về nạn rửa tiền" trên phạm vi toàn cầu. Điều này có nghĩa là bất cứ định chế tài chính quốc tế nào muốn duy trì mối quan hệ với hệ thống tài chính Mỹ đều phải nói "không" với giao dịch chuyển tiền cho Triều Tiên.