Trước đó, các nhóm nhân quyền đã kiến nghị Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng bổ sung thêm 2.000 thị thực dành riêng cho phụ nữ vào kế hoạch sơ tán hàng nghìn người Afghanistan sau khi Mỹ rút quân. Kế hoạch hiện tại bao gồm các phiên dịch viên làm việc cho Mỹ và các lực lượng nước ngoài tại Afghanistan.
Một quan chức khác cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét không chỉ ưu tiên cho đối tượng nữ giới có nguy cơ bị đe dọa mà còn tính để cả nam giới và các nhóm thiểu số làm những công việc có rủi ro cao.
Bà Teresa Casale, đại diện tổ chức Mina’s List, cho biết các nhà lãnh đạo nữ đang trở thành mục tiêu tấn công và sát hại của các tay súng Taliban. Họ nhận được những lời đe dọa tính mạng và sự an toàn của họ mỗi ngày.
Mina’s List và các tổ chức khác đề xuất các thị thực như trên nên được bổ sung thêm quy trình kích hoạt nhanh chóng cho người dân Afghanistan có nguy cơ rủi ro cao nhất, bằng cách tạo ra một chương trình theo dõi nhanh trong Bộ Ngoại giao.
Trong diễn biến cùng ngày, theo một nguồn tin của Chính phủ Canada, nước này đang có kế hoạch tiếp nhận hàng trăm người Afghanistan, vốn là phiên dịch viên, nhân viên làm việc cho Đại sứ quán Canada tại Kabul và gia đình của họ. Nhiều người trong số này lo ngại Taliban sẽ trả đũa vì sự tham gia của họ với các nước phương Tây sau khi quân đội Mỹ rời khỏi quốc gia Tây Nam Á.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, nguồn tin trên cho biết Canada muốn đưa những người này ra khỏi Afghanistan càng sớm càng tốt. Họ có thể đến Canada như những người tị nạn tái định cư hoặc theo các dòng nhập cư khác, nhưng có thể sẽ được cấp thẻ thường trú nhân khi đến nơi.
Động thái này của Ottawa diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm các quốc gia tiếp nhận hàng nghìn người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Mỹ trong hơn 20 năm Mỹ đóng quân ở quốc gia Tây Nam Á này. Tuy nhiên theo nguồn tin, Canada không có kế hoạch tiếp nhận những người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ.
Nhiệm vụ chiến đấu của Canada ở Afghanistan đã kết thúc từ một thập kỷ trước. Sau đó, Canada đã tái định cư cho khoảng 800 người Afghanistan từng làm việc cho nước này với tư cách là phiên dịch viên hoặc trong các vai trò khác.
Tháng trước, Tổ chức Giám sát Nhân quyền có trụ sở tại Mỹ đã kêu gọi các quốc gia liên quan ở Afghanistan, bao gồm cả Canada, "khẩn cấp tăng tốc" tiến trình xử lý thị thực và tái định cư cho những thông dịch viên người Afghanistan và các nhân viên khác.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ lo ngại về tương lai của Afghanistan sau khi Mỹ thông báo đã thực hiện được hơn 90% tiến độ rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: “Nếu các vị hỏi tôi rằng liệu tôi có hài lòng về tình hình hiện tại ở Afghanistan hay không, tất nhiên là tôi không hài lòng. Tôi lo ngại, tình hình ở đó đầy rẫy nguy cơ. Chúng ta phải hy vọng các bên ở Kabul có thể thống nhất với nhau để đạt được một thỏa thuận”.
Thủ tướng Johnson cũng nói thêm rằng người dân Afghanistan đã được hưởng lợi từ nhiều thập kỷ hỗ trợ và đầu tư của Anh. London đã làm hết sức mình để giúp đảm bảo ổn định, an ninh và hòa bình của quốc gia Tây Nam Á này. Do đó, nhà lãnh đạo Anh bày tỏ hy vọng: “máu và tiền của mà nước Anh đã phải hy sinh trong nhiều thập kỷ qua để bảo vệ người dân Afghanistan sẽ không trở nên vô nghĩa và di sản các nỗ lực của Anh sẽ được gìn giữ.”
Trên 400 binh sĩ Anh đã hy sinh trong các chiến dịch tại Afghanistan sau khi nước này gia nhập liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu vào năm 2001. Năm 2014, sứ mệnh của Anh tại Afghanistan đã chuyển từ hoạt động chiến đấu sang tập trung hỗ trợ các lực lượng quốc gia Afghanistan và từ đó đến nay, chi phí mà London phải bỏ ra tại đây đã vào khoảng 40 tỷ bảng Anh (55 tỷ USD).