Mỹ và các nước Arab đề xuất sáng kiến với Iran ‘ngừng bắn’ trên mọi mặt trận

Mỹ và các quốc gia Arab đang tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với Iran về một lệnh ngừng bắn toàn diện nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh trên mọi mặt trận cùng lúc.

Chú thích ảnh
Tên lửa phóng từ Iran bị hệ thống phòng không của Israel đánh chặn trên bầu trời Jerusalem ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đài truyền hình Channel 12, Israel đã được thông báo về sáng kiến này mặc dù không trực tiếp tham gia. Tuy nhiên, Israel vẫn chưa cho đồng minh Mỹ biết về quan điểm của mình đối với sáng kiến.

Bản tin kênh Channel 12 lưu ý không rõ những nỗ lực này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Dải Gaza – “điểm nóng” phức tạp hơn các mặt trận còn lại do Israel thể hiện sự quyết tâm tiếp tục chiến đấu ngay cả sau khi các bên đạt được thoả thuận trao đổi con tin tiềm năng.

Thông tin về sáng kiến đề xuất được đưa ra khi phong trào Hezbollah ở Liban dường như đang có sự thay đổi lập trường về một lệnh ngừng bắn. Trước đây, Hezbollah luôn khẳng định sẽ ngừng tấn công cho đến khi cuộc chiến tại Dải Gaza chấm dứt. Tuy nhiên, trong các tuyên bố gần đây của những người đứng đầu nhóm này, cuộc chiến Gaza không được đề cập.

Phát biểu trên sóng truyền hình ngày 8/10, Naim Qassem, phó thủ lĩnh của Hezbollah đồng thời là quan chức cấp cao nhất của nhóm nay sau khi thủ lĩnh Hassan Nasrallah bị giết trong một cuộc không kích của Israel, cho biết ông ủng hộ những nỗ lực của chủ tịch quốc hội Liban Nabih Berri trong việc đảm bảo một lệnh ngừng bắn mà không đặt ra điều kiện.

Chú thích ảnh
Ô tô bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban, ngày 4/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Mahmoud Qmati - một quan chức Hezbollah – ngày 6/10 phát biểu với đài truyền hình nhà nước Iraq rằng nhóm này sẽ "sẵn sàng bắt đầu xem xét các giải pháp chính trị khi Israel ngừng xâm lược Liban” và một lần nữa không đề cập đến Gaza.

Một quan chức chính phủ Liban giấu tên tiết lộ với hãng tin Reuters rằng việc Hezbollah thay đổi lập trường xuất phát từ nhiều sức ép, bao gồm hàng nghìn người dân ủng hộ nhóm Hồi giáo Shi'ite sinh sống ở miền Nam Liban và vùng ngoại ô phía Nam Beirut.

Quan chức trên cho biết động thái này cũng xuất phát từ chiến dịch trên bộ ngày càng tăng của Israel và sự phản đối lập trường của Hezbollah từ một số chính trị gia Liban.

Các nhà lập pháp hàng đầu từ các giáo phái khác trong nền chính trị Liban trong những ngày gần đây đã kêu gọi một nghị quyết ngừng giao tranh không liên kết tương lai của Liban với cuộc chiến ở Gaza.

"Chúng tôi sẽ không gắn số phận của mình với số phận của Gaza", nhà lập pháp Walid Jumblatt cho hay.

Chính trị gia Cơ đốc giáo Suleiman Frangieh, một đồng minh thân cận của Hezbollah, ngày 7/10 cũng nói với các phóng viên rằng "ưu tiên" là dừng cuộc tấn công của Israel.

Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý việc Hezbollah thay đổi lập trường đang là quá muộn để tạo ra bất kỳ giải pháp ngoại giao nào. Israel đã tăng cường cuộc tấn công trên bộ qua nhiều khu vực biên giới Liban-Israel và đang tiếp tục các cuộc không kích vào Beirut cùng những nơi khác.

Về phía Israel, nước này vẫn đang nghiêng về một giải pháp quân sự thay vì giải pháp ngoại giao. Một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy lệnh ngừng bắn sẽ sớm được thực hiện.

Mohanad Hage Ali, một chuyên gia tại Trung tâm Trung Đông Carnegie, cho biết Israel đã có thể chiếm thế thượng phong bằng cách tăng cường áp lực quân sự lên Hezbollah. "Hezbollah đang chơi trò chính trị... Nhưng điều đó là chưa đủ đối với người Israel. Mọi chuyện không diễn ra theo cách đó", ông Ali nói.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét lời kêu gọi ngừng bắn của Hezbollah cho thấy họ đang ở thế bị động.

"Trong một năm, thế giới kêu gọi ngừng bắn, Hezbollah từ chối chấp thuận, và giờ đây khi Hezbollah đang ở thế bị động, đột nhiên họ thay đổi thái độ và muốn ngừng bắn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn có một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller phát biểu trong một cuộc họp báo.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Times Of Israel)
Hậu quả Israel có thể đối mặt nếu đánh bom cơ sở hạt nhân Iran
Hậu quả Israel có thể đối mặt nếu đánh bom cơ sở hạt nhân Iran

Tác động của thuốc nổ đối với vật liệu hạt nhân được lưu trữ tại các cơ sở của Iran, có khả năng chứa urani làm giàu thấp, sẽ gây ra rủi ro lớn cho sức khỏe cộng đồng, vượt ra ngoài biên giới của quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN