Bối cảnh lịch sử
Israel và Iran là những đối thủ truyền kiếp với lịch sử quan hệ căng thẳng từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran. Một cuộc chiến tranh “bóng tối” kéo dài hàng thập kỷ đã có xu hướng trở thành một cuộc đối đầu trực tiếp khi căng thẳng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào năm ngoái và chiến dịch trên bộ của Israel vào Gaza.
Israel - cùng với Mỹ và Liên hợp quốc - đã lo ngại về tiến trình hạt nhân của Iran kể từ khi Tehran bắt đầu chương trình vũ khí của mình vào cuối những năm 1990 và đầu thập niên 2000. Israel đã trải qua nhiều thập kỷ nhắm mục tiêu vào chương trình này để ngăn chặn sự phát triển hạt nhân thông qua các nhiệm vụ mà họ không công khai như đánh cắp bí mật hạt nhân, phá hoại và tiến hành các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái.
Hậu quả tiềm tàng nếu Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran
Israel từ lâu đã theo dõi nhà máy làm giàu hạt nhân của Iran ở Natanz, một cơ sở làm giàu được chôn vùi trong sa mạc với hàng nghìn máy ly tâm.
Các cơ sở khác, như nhà máy làm giàu uranium nằm trong một ngọn núi ở Fordow, cũng là một mục tiêu tiềm năng khác, nhưng giới chức Mỹ từ trước đến nay vẫn ngăn cản Israel đưa máy bay ném bom và vũ khí đủ mạnh để tấn công cơ sở ngầm này.
Tuy nhiên hiện nay, những người theo đường lối diều hâu ở Israel không loại trừ khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran để đáp trả loạt tên lửa của Tehran hôm 1/10. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố rằng 'mọi thứ đều có thể xảy ra'.
Israel tuyên bố sẽ trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa của Iran, với việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng Tehran sẽ phải "trả giá". Điều này làm dấy lên những suy đoán về quy mô phản ứng của Israel và cả những hậu quả mà họ phải hứng chịu nếu hành động mạnh.
Matthew Bunn, giáo sư về năng lượng, an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại tại Harvard (Mỹ), nói với Forbes rằng sẽ không có bụi phóng xạ hạt nhân hoặc phát tán vật liệu phóng xạ khi tấn công một cơ sở làm giàu uranium như Natanz hoặc Fordow. Các cơ sở này xử lý uranium chưa được chiếu xạ trong lò phản ứng hạt nhân, nghĩa là ít phóng xạ hơn. Ông cho biết trong một cuộc tấn công, một số khu vực có thể bị thiệt hại về mặt sinh thái, nhưng kết quả sẽ được cô lập đối với lượng uranium hạn chế tại các địa điểm đó.
Tuy nhiên, lại có những ý kiến khác không đồng ý với đánh giá đó. "Trong trường hợp Israel tấn công [các cơ sở hạt nhân của Iran], trước hết và quan trọng nhất, đó sẽ là một thảm họa đối với Israel và các đồng minh của họ... Tôi sẽ nói rằng, đó sẽ là một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông... Và khi Mỹ rút lui khỏi tất cả những điều này, đó sẽ là một vấn đề lớn, đe dọa hủy diệt chính Israel", Evgeny Mikhailov, nhà quan sát quân sự kỳ cựu và nhà phân tích chính trị người Nga, nói với Sputnik.
Theo ông Mikhailov, tác động của thuốc nổ đối với các vật liệu hạt nhân được lưu trữ tại các cơ sở của Iran, có khả năng chứa urani làm giàu thấp, sẽ gây ra rủi ro lớn cho sức khỏe cộng đồng vượt ra ngoài biên giới của quốc gia này.
Một cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran có thể mở rộng xung đột trong khu vực đồng thời đẩy nhanh tiến độ chế tạo thiết bị hạt nhân của Iran. "Tehran có thể coi việc vũ khí hóa thực sự chương trình hạt nhân của mình là lựa chọn duy nhất còn lại có thể đảm bảo an ninh cho chế độ ", Bản tin Các nhà khoa học Nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists) nêu rõ.
Những yếu tố nào có thể ngăn cản Israel?
Trước hết, các loại đạn dược của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), từng được sử dụng để nhắm vào các đường hầm của Hezbollah và Hamas, sẽ không hiệu quả đối với các cơ sở hạt nhân được gia cố mạnh mẽ của Iran.
"Vũ khí thông thường duy nhất có thể đạt được điều này là bom xuyên giáp lớn GBU-57A/B của Mỹ, loại vũ khí chỉ có thể được triển khai bởi các máy bay ném bom lớn của Mỹ như B-2 Spirit", một báo cáo phân tích được công bố trên Bản tin Các nhà khoa học Nguyên tử nêu rõ. Do đó, các máy bay ném bom chiến đấu F-15, F-16 và F-35 của Israel sẽ không thể mang được loại vũ khí này.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), Israel sẽ cần sử dụng khoảng 100 máy bay cho một hoạt động như vậy (tương đương 1/3 trong tổng số 340 máy bay có khả năng chiến đấu của nước này).
Ngoài ra, việc tiếp cận các địa điểm hạt nhân của Iran sẽ liên quan đến việc bay qua không phận có chủ quyền của Saudi Arabia, Jordan, Iraq, Syria và có thể là cả Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Israel có thể đối mặt những rào cản ngoại giao.
Khoảng cách đến các địa điểm của Iran đang được đề cập là hơn 1.600 km, đòi hỏi phải tiếp nhiên liệu trên không một cách khó khăn.
Iran có thể phản ứng thế nào khi Israel tấn công các cơ sở hạt nhân?
Vào tháng 4, tướng hàng đầu Iran Ahmad Haghtalab đã cảnh báo rằng nước ông có thể sửa đổi chính sách hạt nhân của mình nếu Israel tấn công các địa điểm hạt nhân của Tehran, nói rằng một cuộc tấn công như vậy có thể kích động các cuộc phản công của Iran nhắm vào các cơ sở hạt nhân của chính Israel.