Iran và Israel cùng thách thức chính sách Trung Đông của Mỹ?

Chính quyền Biden đang phải đối mặt với những thách thức trong việc kiểm soát tình hình ở Trung Đông, khi Israel có khả năng rơi vào một cuộc xung đột đa mặt trận với Hezbollah và Iran. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc gặp ở Tel Aviv ngày 18/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới đây, Hussein Ibish, học giả cao cấp tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Arab và là chuyên gia về các vấn đề Mỹ cho tờ The National (UAE) nhận định rằng, chính sách của Mỹ tại Trung Đông đang gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt sau các sự kiện xảy ra vào ngày 7/10/2023.

Các hành động quyết đoán từ cả hai phía: đối tác thân cận nhất của Mỹ, Israel, và đối thủ chính, Iran, đang làm lung lay mục tiêu kiềm chế xung đột ở Gaza mà Washington đã đặt ra. Cả Iran và Israel dường như đều đang thúc đẩy khu vực này hướng tới một cuộc xung đột đa mặt trận, điều mà Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực ngăn chặn.

Sau ngày 7/10, chính quyền Biden đã xác định rằng lợi ích của Mỹ có thể chịu đựng những hậu quả phát sinh từ cuộc chiến ở Gaza. Tuy nhiên, Washington lo ngại rằng việc bị kéo vào một cuộc xung đột toàn diện sẽ mang lại nhiều rủi ro không thể lường trước.

Để kiềm chế sự leo thang của xung đột, Tổng thống Biden đã dành sự ủng hộ cho việc Israel tự do hành động ở Gaza, với hy vọng rằng điều này sẽ giúp họ giữ ổn định tại Liban. Trong thời gian từ tháng 8/2024 trở về trước, chính sách này dường như đã có hiệu quả. Mặc dù xuất hiện nhiều điểm nóng ở Syria, Iraq, và các vụ tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ từ lực lượng Houthi ở Yemen, Israel vẫn chủ yếu tập trung vào Gaza mà không làm gia tăng xung đột tại Liban.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thách thức lớn nhất đối với chiến lược của Mỹ lại đến từ chính Israel. Ngay sau các cuộc tấn công ngày 7/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã kêu gọi một cuộc tấn công lớn chống Hezbollah, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Biden kêu gọi Thủ tướng Netanyahu tập trung vào Hamas. Israel và Iran đều nhận thấy rằng Tehran đã hưởng lợi từ tình hình tại Gaza, trong khi Israel đang cần một chiến thắng để phục hồi uy tín của các cơ quan an ninh quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu này, Israel dường như cho rằng việc tập trung vào Hezbollah, lực lượng quân sự hùng mạnh thân Iran, sẽ mang lại cơ hội cao hơn. Trước đó, Israel đã có những hành động thận trọng nhằm gia tăng áp lực lên Hezbollah, làm cho Washington cảm thấy lo ngại nhưng không dám can thiệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, sự chú ý của Israel đã chuyển hướng trở lại phía Bắc, nhắm trực diện vào Hezbollah.

Cụ thể hôm 30/9 vừa qua, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên bộ qua biên giới phía Nam của Liban, nhằm đánh bật Hezbollah ra xa khỏi khu vực biên giới. Các quan chức Israel mô tả cuộc tấn công này là giới hạn về quy mô, nói rằng sẽ không có chiếm đóng lâu dài, mặc dù các quan chức đã từ chối tiết lộ binh sĩ Israel sẽ tiến sâu vào Liban đến đâu hoặc chiến dịch này sẽ kéo dài bao lâu.

Trước đó, cả Israel và Hezbollah đều không thực sự quan tâm đến các thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đề xuất. Israel yêu cầu Hezbollah rút quân khỏi biên giới, trong khi Hezbollah yêu cầu một lệnh ngừng bắn tại Gaza. Để tăng cường sức ép, Israel đã liên tục tấn công các vị trí của Hezbollah và Iran ở Syria.

Hành động không kích của Israel đã làm suy yếu nghiêm trọng khả năng quân sự của Hezbollah, đồng thời gây ra thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng và các thiết bị quân sự quan trọng của Iran. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Washington hiểu rằng những cuộc phiêu lưu quân sự như vậy dễ bắt đầu nhưng khó có thể kết thúc. Tehran cuối cùng cũng đã phản ứng lại bằng cách thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel đêm 1/10 vừa qua. Dù được cho là không thành công, nhưng Israel có khả năng sẽ không dễ dàng chấp nhận lời kêu gọi kiềm chế từ Mỹ và tuyên bố có hành động đáp trả.

Rõ ràng là, Mỹ hiện đang bị mắc kẹt giữa việc muốn kiểm soát Israel và nguy cơ bị kéo vào cuộc xung đột với Iran. Nếu Israel tiếp tục các hành động quyết liệt và Iran cũng không nhượng bộ, cơn ác mộng về một cuộc chiến tranh khu vực đa mặt trận có thể xảy ra, buộc Washington phải can thiệp để bảo vệ Israel.

Tình hình leo thang này đang tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với lợi ích và mục tiêu của Mỹ, đồng thời có thể làm sụp đổ hoàn toàn chính sách của chính quyền Biden đối với cuộc khủng hoảng ở Gaza.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Thenationalnews.com)
Israel chuyển giao hệ thống cảnh báo tên lửa tiên tiến 'Tzeva Adom' cho Ukraine 
Israel chuyển giao hệ thống cảnh báo tên lửa tiên tiến 'Tzeva Adom' cho Ukraine 

Hệ thống này, vốn được sử dụng rộng rãi tại Israel, sẽ giúp Ukraine theo dõi chính xác các vụ phóng tên lửa hoặc UAV, tính toán đường bay và xác định tọa độ va chạm, từ đó kịp thời cảnh báo và giảm thiểu thiệt hại. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN