Mỹ: Trên 15.000 y tá đình công đòi tăng lương

Ngày 12/9, trên 15.000 y tá làm việc tại các bệnh viện ở hai bang Minnesota và Wisconsin đã tiến hành cuộc đình công nhằm yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc và mức lương cao hơn.

Chú thích ảnh
Chủ tịch của Hiệp hội Y tá Minnesota tham gia cuộc đình công của các y tá. Ảnh: AP

Theo các bức ảnh mà Hiệp hội các y tá bang Minnesota (MNA) đăng tải trên mạng, cầm trên tay những tấm biển mang thông điệp như "Ưu tiên bệnh nhân hơn lợi nhuận", các y tá đã tụ tập thành nhóm vào sáng sớm bên ngoài một số bệnh viện để bày tỏ sự phản đối. 

Trong khi đó, các bệnh viện đã lên kế hoạch đảm bảo việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, dù có thể bị gián đoạn. Bệnh viện North Memorial Health ở Robbinsdale, bang Minnesota cho biết "có thể sẽ thực hiện một số điều chỉnh đối với dịch vụ và chăm sóc không khẩn cấp để đảm bảo nhân sự đầy đủ trong thời gian diễn ra đình công". Các dịch vụ như chăm sóc và điều trị nội trú, ngoại trú và cấp cứu vẫn được đảm bảo.

Người phát ngôn của MNA cho biết cuộc đình công dự kiến kéo dài 3 ngày đến hết sáng 15/9. Theo MNA, hiện tại ở bang Minnesota, các y tá đang phải làm việc quá tải, các bệnh viện thiếu hụt nhân sự trong khi số bệnh nhân ngày một tăng cao. MNA cho biết đang tìm kiếm giải pháp cho tình trạng thiếu nhân sự và các vấn đề an toàn lao động, trong khi các bệnh viện lại chỉ muốn tập trung vào vấn đề tiền lương.

Một nhóm đại diện cho các bệnh viện cho biết đã đề xuất tăng lương 10-12% trong 3 năm. Tuy nhiên, các y tá đang muốn đảm bảo mức tăng trong khoảng 27-30%. Các bệnh viện lập luận rằng "với sự thay đổi liên tục trong chăm sóc sức khỏe, tất cả những người làm việc trong lĩnh vực y tế cần phải thích ứng với cách chúng ta phục vụ mọi người". 

* Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden và các thành viên trong Nội các đã liên lạc với các nghiệp đoàn và các công ty liên quan trong nỗ lực ngăn chặn cuộc đình công đe dọa làm tê liệt mạng lưới đường sắt của nước này. 

Các cuộc đàm phán giữa các nghiệp đoàn và các công ty đường sắt, trong đó có Union Pacific, BNSF của Tập đoàn Berkshire Hathaway, CSX và Norfolk Southern, vẫn bế tắc sau hơn 2 năm. Các bên sẽ phải đạt các thỏa thuận muộn nhất trước ngày 17/9. Nếu qua hạn chót này mà không đạt thỏa thuận, các nghiệp đoàn sẽ đình công và có thể dẫn tới sự can thiệp của quốc hội.

Ngày 11/9, hai nghiệp đoàn lớn đang đàm phán về hợp đồng của gần 60.000 người lao động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường sắt cảnh báo sẽ tạm ngừng một số chuyến hàng nhằm tạo thêm đòn bẩy trong cuộc đàm phán với các công ty đường sắt trong bối cảnh hạn chót phải đạt thỏa thuận đang đến gần.

Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ khẳng định "các bên vẫn đang tiếp tục đàm phán". Tuyên bố cho biết Bộ trưởng Lao động Marty Walsh "đã nỗ lực thúc đẩy các bên đạt được một giải pháp ngăn chặn mọi cuộc đình công của hệ thống đường sắt".

Các cuộc đình công tại Mỹ thường xuyên diễn ra trong năm qua, trong bối cảnh người lao động phàn nàn đã kiệt sức vì làm việc trong giai đoạn đại dịch COVID-19 lây lan và phải chật vật đối phó với vật giá leo thang".

Phương Oanh (TTXVN)
Nhân viên đường sắt Anh thông báo đình công trên toàn quốc
Nhân viên đường sắt Anh thông báo đình công trên toàn quốc

Ngày 31/8, Hiệp hội các nhân viên vận tải (TSSA) - một nghiệp đoàn tại Anh - thông báo các nhân viên đường sắt nước này đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc đình công trong 24 giờ trên phạm vi toàn quốc vào ngày 26/9 tới nhằm yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN