Làn sóng đình công tại Anh, Hà Lan và Đức

Ngày 26/8, trên 115.000 nhân viên của công ty dịch vụ bưu chính Royal Mail (Anh) đã bắt đầu đình công đòi tăng lương.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại nhà ga King's Cross ở London, Anh trong bối cảnh diễn ra cuộc đình công của công nhân đường sắt, ngày 27/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là hoạt động mới nhất trong hàng loạt cuộc đình công tại Anh thời gian qua, khi người lao động đòi tăng lương do khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát dự báo vượt 13% trong năm nay.

Royal Mail khẳng định đã đề nghị tăng 5,5% lương cho nhân viên, mức tăng cao nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, Nghiệp đoàn lao động ngành thông tin liên lạc (CWU) cho rằng công ty đã áp mức tăng 2% đối với các nhân viên và chỉ tăng thêm 1,5% tùy thuộc vào điều kiện. 

Hãng bưu chính có lịch sử hàng trăm năm này đã xin lỗi khách hàng vì tình trạng gián đoạn dịch vụ. Royal Mail cho biết đã triển khai kế hoạch ứng phó, song không thể thay thế hoàn toàn công việc hàng ngày của các nhân viên tuyến đầu.

Đầu tháng này, Royal Mail cảnh báo sẽ bị thua lỗ tại Anh trong tài khóa 2022 - 2023 nếu đình công diễn ra. Dự kiến, các cuộc đình công tiếp theo sẽ diễn ra vào các ngày 31/8, 8/9, và 9/9.

* Tại Hà Lan, các nhân viên của Công ty Đường sắt Hà Lan (NS) đã đình công ở nhiều địa phương sau khi các cuộc đàm phán về điều kiện trả lương thất bại.

Tại các tỉnh miền Bắc như Friesland, Groningen, Drenthe và các khu vực của Flevoland, Overijssel, đã không có chuyến tàu nào chạy từ 4h đến 16h ngày 24/8. Một cuộc đình công kéo dài 24 giờ khác cũng được lên kế hoạch tại miền Tây Hà Lan trong ngày 26/8. Các công đoàn cũng thông báo rằng một cuộc đình công trên toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 9, nếu NS không đáp ứng các yêu cầu của họ.

Sau thất bại trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận lao động tập thể vào tuần trước, các nhân viên đường sắt đã quyết định đình công. Các công đoàn đã yêu cầu NS hỗ trợ nhân viên một lần khoản tiền 600 euro (600 USD) và tăng lương thêm 100 euro/tháng. 

Đáp lại, NS khẳng định dù hiểu mối quan tâm về tài chính của nhân viên, song công ty cũng đang phải đối phó với nhiều thách thức như tình trạng thiếu hụt lao động, giá cả tăng cao và lượng hành khách không còn như trước.

* Tại Đức, Vereinigung Cockpit (VC) - công đoàn đại diện cho các phi công - ngày 25/8 cho biết các phi công tại Lufthansa đã từ chối đề xuất mức lương của hãng hàng không này và có thể đình công bất cứ lúc nào.

VC cho biết đề xuất gần đây nhất của Lufthansa là một bước đi đúng hướng nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của công đoàn, bao gồm việc tăng lương 5,5% trong năm nay cho các phi công và tự động bù lạm phát sau đó.

Lufthansa đã ghi nhận phản hồi của công đoàn sau khi gửi đề nghị cho các phi công của Lufthansa và Lufthansa Cargo vào sáng cùng ngày. Hãng hàng không hàng đầu của Đức cũng muốn thảo luận về hình thức linh hoạt của đề xuất này với VC và đề nghị tiếp tục đàm phán. 

Các cuộc đình công và tình trạng thiếu nhân viên đã buộc các hãng hàng không, trong đó có Lufthansa phải hủy hàng nghìn chuyến bay trong mùa Hè này, dẫn đến tình trạng xếp hàng dài trong nhiều giờ tại các sân bay lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới kế hoạch du lịch của người dân sau thời gian bị hạn chế bởi dịch COVID-19.

Trước đó, ban lãnh đạo của Lufthansa đã đạt được thỏa thuận trả lương với nhân viên mặt đất, sau khi đình đông đã buộc hãng phải hủy hơn 1.000 chuyến bay.

Đặng Ánh - Thành Nam (TTXVN)
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do cuộc đình công tại cảng lớn nhất Anh
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do cuộc đình công tại cảng lớn nhất Anh

Cuộc đình công đòi tăng lương kéo dài 8 ngày tại cảng container Felixstowe lớn nhất Anh ở Suffolk sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng đối với ​​chuỗi cung ứng hàng hóa của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN