Bộ trên cho biết số lượng dầu được mua trên sẽ được giao vào tháng 8 và tháng 9/2024. Bộ Năng lượng Mỹ đã đưa ra các lời chào mời để mua 1,5 triệu thùng dầu bổ sung cho kho dự trữ Bayou Choctaw, Louisiana đã được bảo trì trong năm nay. Bộ cho biết lời chào mời khác với số lượng tương tự cho kho Bayou Choctaw sẽ được đưa ra vào ngày 21/3.
SPR có tổng cộng bốn địa điểm lưu trữ dầu trên bờ biển của hai bang, nơi máy bơm và các thiết bị bằng thép khác thường xuyên tiếp xúc với môi trường có độ ẩm và độ mặn cao. Việc bảo trì kéo dài tuổi thọ tại các địa điểm Bayou Choctaw và Bryan Mound, Texas trong năm nay đã làm chậm quá trình bổ sung SPR sau khi chính phủ của Tổng thống Joe Biden tiến hành đợt bán 180 triệu thùng lớn nhất từ trước đến nay từ SPR vào năm 2022. Đợt bán hàng đó là một nỗ lực để giá dầu giảm sau khi xung đột tại Ukraine (U-crai-na) xảy ra.
Chính phủ Mỹ muốn mua lại dầu ở mức 79 USD/thùng và nếu giá tăng cao hơn, điều này có thể gây khó khăn trong việc bổ sung dầu cho SPR. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 4/2024 đã tăng 1,54 USD, tương đương 1,9%, lên 81,26 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2023 trong phiên ngày 14/3.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) mới đây công bố số liệu cho thấy sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ đang tiếp tục tăng lên trong khi giá giảm từ các mức rất cao ghi nhận vào giữa năm 2022, sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, khiến lượng dầu và khí dự trữ tăng lên.
Về phía dầu, tổng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ đã tăng từ 376 triệu thùng tháng 12/2022 lên 413 triệu thùng vào tháng 12 năm ngoái tức 13,3 triệu thùng/ngày, tăng 1,2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó. Tính chung cả năm 2023, sản lượng tăng từ 4,347 tỷ thùng năm 2022 lên 4,721 tỷ thùng, gấp đôi năm 2012.
Trong khi đó, giá dầu thô của Mỹ trung bình ở mức 72 USD/thùng trong tháng 12/2023, giảm từ mức cao gần đây là 121 USD/thùng vào tháng 6/2022.
Số giàn khoan đang hoạt động trung bình là 501 giàn trong tháng 12/2023, giảm từ mức 623 vào tháng 12/2022, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Nhưng lại không có sự sụt giảm tương ứng nào trong sản lượng dầu, vì các giàn khoan đã được nâng cao hiệu suất bằng cách chỉ tập trung vào các địa điểm hứa hẹn. Trong ngắn hạn, ngành dầu của Mỹ đã có thể gia tăng sản lượng ở mức gia thấp hơn và ít giàn khoan hơn.
Còn với khí đốt, sản lượng khí khô đã tăng lên mức cao kỷ lục theo mùa là 3.300 tỷ foot khối (bcf) trong tháng 12/2023, từ mức 3.107 bcf một năm trước đó. Tính chung cả năm nay, sản lượng khí đốt đã chạm mức cao kỷ lục 37.883 bcf, tăng từ mức 36,353 bcf vào năm 2022, và đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006.
Trong khi đó, giá khí đốt đã giảm xuống 2,55 USD cho mỗi 1 triệu đơn vị nhiệt Anh vào tháng 12 năm ngoái. Giá khí đốt đã giảm xuống mức trung bình chỉ 1,8 USD trong tháng trước, mức thấp nhất kể từ ít nhất là năm 1990.
Cũng giống dầu, số lượng giàn khoan đã giảm xuống, nhưng sản lượng không giảm, khiến thị trường rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung kéo dài. Số lượng giàn khoan khí đốt trung bình ở mức 119 giàn trong tháng 12/2023, giảm từ mức trung bình 162 USD trong tháng 9/2022. Đây là mức cao nhất trong thời gian gần đây. Nhưng sản lượng vẫn tiếp tục đà tăng, mà lý do cũng như dầu, là chỉ tập trung vào các địa điểm hứa hẹn. Sản lượng đã tăng nhanh hơn nhiều so với nhu cầu trong và ngoài nước khiến lượng dầu khí dự trữ tăng mạnh và từ đó càng gây nhiều áp lực hơn lên giá dầu khí.
Trong khi một số ý kiến cho rằng sự suy giảm nhu cầu dầu trên toàn cầu là do sự phục hồi kinh tế yếu kém, thì nhiều người khác lại coi đó là tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng và sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Trong báo cáo tháng 2/2024, IEA đã tiến hành sửa đổi dự báo của mình. Cơ quan này ước tính rằng trong năm nay, nhu cầu dầu dự kiến là 102,9 triệu thùng/ngày, tức là chỉ tăng 1,2 triệu thùng/ngày, trong khi mức tăng này của năm 2023 là 2,3 triệu thùng/ngày. Nhu cầu tăng chủ yếu chỉ ở một số quốc gia: đầu tiên là Trung Quốc, tiếp đến Ấn Độ và Brazil (Bra-xin).
Về tổng thể, IEA cho rằng giai đoạn tăng trưởng sau đại dịch COVID-19 phần lớn đã kết thúc, quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra ở các nền kinh tế lớn sẽ nhanh chóng dẫn đến nhu cầu dầu giảm.
Còn trong báo cáo thị trường dầu mỏ hàng tháng công bố ngày 12/3, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên các mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm nay, nhờ đà tăng trưởng khởi sắc hơn của các nền kinh tế Mỹ và Ấn Độ.
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) dẫn báo báo mới nhất của OPEC cho hay khối này dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2024 và 2025 sẽ lần lượt ở mức 2,2 triệu thùng/ngày và 1,8 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với các mức dự báo được đưa ra trong báo cáo tháng trước. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trước đó dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ chỉ tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024, do mức tiêu thụ của Trung Quốc chậm lại.
Trong báo cáo tháng 3/2024, OPEC đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên 2,8%, từ mức dự báo tăng 2,7% được đưa ra trước đó, nhờ hoạt động kinh tế tăng mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay. OPEC đánh giá: "Trong khi Mỹ, Ấn Độ và, ở một chừng mực nào đó, cả Brazil chứng kiến đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023, với các nền kinh tế Trung Quốc và Nga đều tăng trưởng ổn định vào khoảng thời gian cuối năm ngoái, thì kinh tế của Khu vực đồng euro (Eurozone) lại ghi nhận sự suy giảm". Tuy nhiên, OPEC đã chỉ ra một số dấu hiệu báo trước sự phục hồi tăng trưởng kinh tế tiềm năng ở Eurozone, cho thấy một xu hướng tăng trưởng khởi sắc sẽ tiếp tục diễn ra trong quý I/2024".