Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ngày 8/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin, Jr.
Tại cuộc điện đàm, ngoại trưởng hai nước bày tỏ mối quan ngại chung trước hoạt động tập trung các tàu dân quân biển của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời tái khẳng định lời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về Biển Đông chiểu theo Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển (UNCLOS) 1982. Hai ông Blinken và Locsin cũng hoan nghênh việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương về vấn đề Biển Đông.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 8/4, trả lời các câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước các diễn biến gần đây trên Biển Đông và các vấn đề liên quan, trong đó có việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, trên các vùng biển Việt Nam phù hợp với các quy định, luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Người Phát ngôn cũng nêu rõ: "Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, trong khu vực và của cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, kiên trì, thiện trí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên.
Việt Nam kêu gọi các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông; thiện trí thực hiện luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên khu vực Biển Đông".
Ngày 7/4, Philippines tiếp tục gửi công hàm phản đối hiện diện của tàu Trung Quốc ở vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền, thực hiện đúng cảnh báo của Manila trước đó về “mỗi ngày gửi một công hàm” nếu Bắc Kinh không chịu rút tàu khỏi khu vực này.
Trên tài khoản cá nhân mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Locsin thông báo việc nước này vừa gửi tiếp một công hàm tới phía Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc phản đối bằng công hàm này sẽ được thực hiện hàng ngày nếu như những tàu thuyền Trung Quốc kia thực sự đang có hoạt động đánh bắt.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh hai thượng nghị sĩ Philippines mới đây kêu gọi nước này đoàn kết với ASEAN và đồng minh phương Tây để chống lại hành xử gây hấn tiếp diễn của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Một trong hai người này cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục “phớt lờ” các công hàm phản đối từ Manila.
Hôm 5/5, Bộ Ngoại giao Philippine ra thông báo nhấn mạnh: Manila yêu cầu Trung Quốc rút các tàu cá và những tài sản hàng hải khác khỏi khu vực đá Ba Đầu... Sau mỗi một ngày trì hoãn, Philippines sẽ gửi công hàm ngoại giao phản đối.