Tầu sân bay Ronald Reagan tham gia tập trận Lá chắn Quả cảm 2016 ở biển Philippines. Ảnh: US Navy |
Đài VOA cho biết mới đây hai Tiểu ban thuộc Hạ viện Mỹ lần lượt tổ chức điều trần về vấn đề Biển Đông. Điều mà các Nghị sĩ quan tâm nhất là tại sao Biển Đông lại rất quan trọng đối với Mỹ, lo lắng trong thời gian chuyển giao giữa Tổng thống cũ và Tổng thống mới, Trung Quốc sẽ có hành động gây hấn ở Biển Đông để thách thức quyết tâm và cam kết của Mỹ. Trong khi đó, các chuyên gia đã kêu gọi Mỹ thể hiện rõ quyết tâm ở Biển Đông.
Phát biểu tại phiên điều trần về vấn đề Biển Đông của Tiểu ban Sức mạnh biển và Đề án quân lực thuộc Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Tiểu ban, ông Randy Forbes lo ngại Trung Quốc sẽ có hành động gây hấn trong thời gian cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama và chờ Tổng thống mới nhậm chức. Ông nói: “Tôi lo ngại Chủ tịch nước Trung Quốc (Tập Cận Bình) có thể sẽ coi mấy tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama là cơ hội để tuyên bố thành lập Khu vực Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, tăng cường hoạt động lấp biển ở khu vực bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag) và đẩy mạnh xây dựng quân sự hóa một số đảo nhân tạo để khảo nghiệm quyết tâm của chúng ta”. Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương Matt Salmon cũng cho rằng tranh chấp an ninh là thách thức an ninh lâu dài, nhưng trong ngắn hạn có thể dẫn tới mâu thuẫn và va chạm.
Tham gia điều trần, các chuyên gia Mỹ đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với Mỹ cũng như lợi ích Mỹ. Nhà nghiên cứu Elbridge Colby đến từ Trung tâm An ninh Mỹ mới nói: “Cho dù là trực tiếp hay gián tiếp, Mỹ cần phải cứng rắn và kiên định hơn nữa trước những hành vi hiếp đáp của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington không nên do dự trong vấn đề này”. Theo chuyên gia Colby, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn chưa thể hiện đầy đủ quyết tâm trong vấn đề Biển Đông, kiến nghị Washington cần tiếp tục các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, tăng cường sức mạnh quân sự của các đồng minh, giúp các đồng minh gách vác trách nhiệm nhiều hơn. Ngoài ra, Mỹ cũng cần phải tăng cường các mối liên hệ kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…
“Nếu khi có ưu thế, Mỹ không thể hiện rõ quyết tâm, đợi tới khi Trung Quốc lớn mạnh hơn, Mỹ càng bó tay thúc thủ”, ông Colby nhấn mạnh. Còn chuyên gia Andrew Erickson thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ thì đưa ra kiến nghị cụ thể hơn. Ông Erickson cho rằng Trung Quốc có khuynh hướng sử dụng hải cảnh và dân binh ở khu vực Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của Mỹ ở Biển Đông. Mỹ nên công khai tiết lộ thân phận thực và hoạt động của lực lượng này.