Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 6/7, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của 33 nước thuộc Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) dự kiến đến Brussels vào ngày 17 - 18/7 tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh với những người đồng cấp EU.
Tuy nhiên, trước hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt, các nước CELAC đã gửi một bản phản đối dài 21 trang đối với văn bản dự thảo mà các nước thành viên EU đã gửi cho họ vào tháng trước.
Euractiv dẫn 3 nguồn tin EU riêng cho biết, dự thảo tuyên bố hội nghị thượng đỉnh ban đầu do EU đề xuất bao gồm một số nội dung về hỗ trợ cho Ukraine, có tham khảo các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
“Văn bản về Ukraine rất cân bằng. Không có gì đặc biệt về bất cứ thứ gì chúng tôi gửi cho họ”, hai nhà ngoại giao EU cho biết. Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao thứ ba, các nước Mỹ Latinh đã xóa mọi thứ về Ukraine.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EU đã khẳng định hòa bình sau khủng hoảng nên được xây dựng theo các đề xuất của Kiev, điều mà đề xuất CELAC không đề cập đến.
Theo văn bản tuyên bố sửa đổi, các thành viên EU và CELAC sẽ cùng nhau “ủng hộ các giải pháp ngoại giao nghiêm túc và mang tính xây dựng cho cuộc xung đột hiện nay ở châu Âu, bằng các biện pháp hòa bình, đảm bảo chủ quyền và an ninh của tất cả các bên, cũng như hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế”.
Đề xuất phản đối dự kiến được các đại sứ EU thảo luận trong cuộc họp vào ngày 7/7, nơi các quốc gia thành viên dự kiến thảo luận về mức độ họ sẵn sàng thỏa hiệp về từ ngữ trong nỗ lực cứu vãn một dự thảo thông cáo để sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
“Phản ứng ban đầu phần nào được dự đoán – bây giờ các cuộc đàm phán thực sự bắt đầu. Chúng tôi sẽ làm việc tích cực để có một tuyên bố chung. Nhưng chúng tôi cũng phải tính đến khả năng hội nghị thượng đỉnh có thể kết thúc mà không có bất kỳ tuyên bố chung nào”, hai nhà ngoại giao EU khác cho biết.
Một vấn đề gây tranh cãi trước thềm hội nghị thượng đỉnh là sự tham dự của Tổng thống Ukraine Zelensky, người ban đầu nhận được lời mời từ Tây Ban Nha - nhưng đã bị từ chối sau khi bị các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh phản đối.
Trong năm qua, EU đã tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác trên khắp thế giới để tập hợp sự ủng hộ đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà họ cho là Nga đã bác bỏ với chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia Mỹ Latinh đã nhiều lần nói rằng họ không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến mà họ tiếp tục coi là vấn đề của châu Âu.
Một nhà ngoại giao Mỹ Latinh nói rằng hội nghị thượng đỉnh lần này không thể chỉ nói về việc EU kêu gọi các nước Mỹ Latinh ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu, mà phải nhấn mạnh chương trình nghị sự riêng của khu vực: phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và triển vọng dài hạn đối với thoả thuận thương mại với các nước Mercosur (Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay) vốn đang bị lung lay.
Một nhà ngoại giao khác ở EU cho biết, đề xuất phản đối mà các quốc gia CELAC gửi tới Brussels cho thấy hai phía không có cùng 'bước sóng', hoặc EU cần phải nỗ lực hơn để truyền tải thông điệp của mình.