Mỹ Latinh nỗ lực thách thức sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường lithium toàn cầu

Bolivia đang dẫn đầu kế hoạch thiết lập một khối khai thác lithium trên toàn Mỹ Latinh và tạo ra một liên minh giống như “OPEC” với Argentina, Brazil và Chile trong lĩnh vực này.

Chú thích ảnh
Khu vực Mỹ Latinh có trữ lượng lithium khổng lồ. Ảnh: mercopress.com

Chính phủ Bolivia mới đây đã kêu gọi các nước láng giềng Argentina, Brazil và Chile hợp tác thiết lập chính sách khai thác lithium chung trên toàn Mỹ Latinh. Ý tưởng này là một phần của sáng kiến ​​rộng lớn hơn nhằm thành lập một nhóm giống như “OPEC” để cùng nhau tăng cường khả năng thương lượng của các quốc gia trên về lithium.

Tổng thống Bolivia Luis Are đã phát biểu tại thủ đô La Paz rằng: “Chúng ta phải đoàn kết trên thị trường, một cách có chủ quyền, với giá cả có lợi cho nền kinh tế của chúng ta, và một trong những cách để đạt được điều đó đã được Tổng thống (Mexico) Andres Manuel Lopez Obrador đề xuất là hướng về một khuôn khổ khai thác lithium kiểu OPEC".

Bolivia có nguồn lithium lớn nhất thế giới với 21 triệu tấn xét theo cấp quốc gia, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trong khi khu vực Mỹ Latinh có thể chiếm gần 70% trữ lượng toàn cầu nếu tính cả trữ lượng tiềm năng ở Brazil, Mexico và Peru, điều có khả năng mang lại nguồn thu nhập mới cho các nền kinh tế Mỹ Latinh.

Đầu năm nay, Bolivia đã ký một thỏa thuận với tập đoàn pin CAT của Trung Quốc để cùng khai thác lithium từ các khu vực Uyuni và Oruro của họ. Sự hợp tác sẽ cho phép một số công ty, trong đó có ông ty khai thác khổng lồ CMOC, quyền xây dựng hai nhà máy khai thác lithium.

Tổng thống Are muốn công nghiệp hóa ngành lithium của Bolivia trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2025 nhưng hiện vẫn thận trọng với những tác động địa chính trị tiềm tàng mà nó có thể mang lại. Ông Are giải thích: "Chúng tôi không muốn lithium trở thành lý do gây bất ổn cho đất nước hoặc sự quấy rối từ nước ngoài".

Nhu cầu về lithium, được sử dụng trong pin sạc cho ô tô và thiết bị điện tử, đã đẩy giá kim loại cấp pin lên khoảng 85.000 USD/tấn vào cuối năm ngoái. Do đó, ông Arce bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của nước ngoài vào hoạt động kinh doanh lithium, đặc biệt là từ Mỹ.

Nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới là công ty khai thác Albermarle của Mỹ, hoạt động ở miền bắc Chile. Các công ty Mỹ như Livent Corp cũng sẽ cung cấp lithium ở Argentina cho BMW. Nhà sản xuất lớn thứ hai, SQM của Chile, đã  bị Tianqi Lithium Corp của Trung Quốc nắm giữ khoảng 24% cổ phần vào cuối năm 2021. Công ty sản xuất pin khổng lồ CATL và Ganfeng Lithium của Trung Quốc cũng đang phát triển dự án của họ ở Mỹ Latinh.

Trước đó, Chile, Argentina và Bolivia đã thảo luận về việc hợp tác trong lĩnh vực lithium kể từ tháng 7 năm ngoái. Họ cũng đặt mục tiêu hợp nhất ngành công nghiệp lithium non trẻ trong khu vực, cùng với các quốc gia Mỹ Latinh khác, trong đó có Brazil và Mexico.

Các nhà phân tích, như học giả Mỹ Arman Sidhu, cho rằng kế hoạch này có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ các nhóm môi trường và những trở ngại khác, chẳng hạn như việc Trung Quốc không để sự thống trị của mình trong ngành bị suy yếu.

Những người phản đối lập luận rằng việc khai thác lithium, vốn cần sử dụng một lượng lớn nước, có thể gây ra tác động đáng kể cho môi trường, đặc biệt là đối với các cộng đồng địa phương. Cũng có những lo ngại về quyền của người dân bản địa trong khu vực, những người có thể bị ảnh hưởng bởi việc khai thác kim loại.

Ngược lại, những người ủng hộ lập luận rằng việc phát triển ngành công nghiệp lithium ở Mỹ Latinh có thể thúc đẩy nền kinh tế của khu vực, đặc biệt là khi nhu cầu về xe điện và năng lượng tái tạo tăng lên.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc là nước thống trị thị trường lithium, kiểm soát một tỷ lệ đáng kể nguồn cung kim loại này của thế giới. Ảnh hưởng của Trung Quốc đã dẫn đến những lo ngại về an ninh nguồn cung, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu về lithium có thể sẽ tăng do sự bùng nổ năng lượng tái tạo và xe điện đang diễn ra.

Do đó, phát triển một khối về chính sách lithium chung ở Mỹ Latinh có thể giúp đối trọng với vị thế của Trung Quốc trên thị trường và mang lại sự an toàn hơn về nguồn cung cho phần còn lại của thế giới.

Hiện ý tưởng về việc thành lập một nhóm hợp tác về lithium kiểu OPEC vẫn đang ở giai đoạn đầu. Nếu thành hiện thực, nó có thể đại diện cho một sự thay đổi đáng kể trong thị trường lithium toàn cầu và mang lại một nguồn thu nhập mới cho các nền kinh tế Mỹ Latinh.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Reuters/Oilprice)
Thủ tướng Đức công du Mỹ Latinh
Thủ tướng Đức công du Mỹ Latinh

Ngày 28/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu chuyến công du Mỹ Latinh, đưa ông cùng phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tới thăm Argentina, Chile và Brazil - 3 quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên và là những đối tác rất tiềm năng của nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN