Ấn Độ mở rộng dấu ấn sang Mỹ Latinh

Chuyến thăm chính thức của Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tới 4 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (gồm: Guyana, Panama, Colombia và Cộng hòa Dominicana) vừa qua đã cho thấy sự chú trọng của Ấn Độ dành cho khu vực này. Đây cũng là chuyến thăm thứ hai tới Mỹ Latinh của một quan chức ngoại giao hàng đầu Ấn Độ trong vòng chưa đầy một năm.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tháp tùng Ngoại trưởng Jaishankar trong chuyến thăm là phái đoàn doanh nghiệp Ấn Độ. Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) cũng hỗ trợ chuyến thăm. Chính vì thế các sự kiện kinh doanh đã được lên kế hoạch dày đặc trong suốt chuyến thăm.

Vào cuối thế kỷ 20, Ấn Độ vẫn là một thị trường xa xôi, tầm thường đối với Mỹ Latinh và khu vực Mỹ Latinh vẫn nằm ngoài các ưu tiên của Ấn Độ. Tuy nhiên, ngày nay, Ấn Độ là một thị trường lớn mà không quốc gia nào muốn bỏ qua. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ là một phần trong câu chuyện tổng thể của Nam bán cầu, trong đó Mỹ Latinh là một phần không thể thiếu. Đối với Mỹ Latinh, Ấn Độ là một phần của chiến lược châu Á lớn hơn, bao trùm. Chuyên gia Soraya Caro, cố vấn tại Hội đồng ngoại thương cấp cao của Colombia, lưu ý rằng Chính phủ Colombia đã bắt đầu ưu tiên châu Á và Ấn Độ lần đầu tiên được ưu tiên như một đối trọng kinh tế và chiến lược đối với các đối tác truyền thống của Colombia ở phương Tây.

Tầm quan trọng kinh tế của Ấn Độ đối với khu vực Mỹ Latinh đã được thể hiện rõ ràng nhất trong hai thập niên qua. Kể từ năm 2012, Ấn Độ nằm trong số 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất toàn cầu của Mỹ Latinh; năm 2014, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ Latinh, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Khu vực này coi Ấn Độ là đối tác chính cho tăng trưởng kinh tế, là nhà nhập khẩu khoáng sản, năng lượng và nông nghiệp của khu vực, đồng thời là nhà đầu tư và tạo việc làm ở Mỹ Latinh. Ngày nay, Ấn Độ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của khu vực về dầu thực vật, lớn thứ ba về quặng đồng, dầu mỏ và vàng, và lớn thứ tư về đường và gỗ. Thương mại tổng thể giữa Ấn Độ và khu vực đạt khá khiêm tốn, 50 tỷ USD vào năm ngoái, chủ yếu nhờ xuất khẩu năng lượng, khoáng sản của Brazil, xuất khẩu dầu ăn từ Argentina và tăng xuất khẩu khoáng sản từ khu vực này, bao gồm cả đồng. 

Giờ đây, việc mới phát hiện một lượng lớn dầu thô ở Guyana đã thu hút sự quan tâm của Ấn Độ khi nước này tìm cách đa dạng hóa nhập khẩu dầu thô bên cạnh các nhà cung cấp truyền thống ở Trung Đông. Về phần mình, Ấn Độ xuất khẩu một số mặt hàng sang Mỹ Latinh như dược phẩm, xe máy, nông sản, dịch vụ IT và các sản phẩm dầu tinh chế… Ngoài trữ lượng khai khoáng và dầu mỏ, Mỹ Latinh mang đến cho Ấn Độ những vùng đất nông nghiệp tiềm năng. Với diện tích gần gấp 5 lần Ấn Độ và dân số bằng một nửa quốc gia Nam Á, khu vực này có thể tạo cho Ấn Độ cơ hội giải quyết sự phụ thuộc vào nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Sự thay đổi trong quan hệ song phương cũng được thể hiện qua chính sách đối ngoại. Việc Ấn Độ trước đó cử một Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao phụ trách khu vực Mỹ Latinh và nay Ngoại trưởng Jaishankar đã trực tiếp can dự công tác này, cho thấy Ấn Độ thực sự chú trọng Mỹ Latinh. Tại một hội nghị về quan hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh vào tháng 2/2023 ở New Delhi, Ngoại trưởng Jaishankar cho rằng quan hệ giữa hai bên “đầy hy vọng và lạc quan”. Ông nhấn mạnh Mỹ Latinh là một phần trong mục tiêu lớn hơn của Ấn Độ là “trở thành cường quốc hàng đầu thế giới”, đồng thời nói thêm rằng Ấn Độ phải phát triển dấu ấn trong khu vực với “các mối quan hệ thực sự quan trọng, với các khoản đầu tư thực chất và hợp tác thực sự đáng chú ý”. Theo đó, New Delhi cũng đã bắt đầu mở cơ quan đại diện tại những quốc gia vốn trước đây không có sự hiện diện ngoại giao, đồng thời tăng cường hợp tác và can dự.

Giáo sư Sonya Gupta, Giám đốc danh dự của Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và Mỹ Latinh tại Đại học Jamia Millia Islamia ở New Delhi, cho rằng Ấn Độ ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của việc duy trì quan hệ chặt chẽ với khu vực này. Để thúc đẩy kế hoạch mở rộng quan hệ, tại Guyana, Ngoại trưởng Jaishankar đã đồng chủ trì cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao của Ấn Độ và Hội đồng quan hệ đối ngoại và cộng đồng (COFCOR). Tại Panama, ông cũng tham gia cuộc họp với Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA) gồm 8 quốc gia. Năm ngoái, chuyến thăm của Ngoại trưởng Jaishankar đã tập trung vào việc mở rộng dấu ấn của Ấn Độ ở Nam Mỹ khi ông đến thăm Argentina, Brazil và Paraguay, là một phần của Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), một cơ chế khu vực có ảnh hưởng gồm 33 quốc gia.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Colombia tại thủ đô Colombia hôm 27/4, Ngoại trưởng Jaishankar cho biết chuyến thăm của ông tới Mỹ Latinh là nhằm tìm phương thức để nâng cấp mức độ hợp tác của Ấn Độ với khu vực. Ông nêu rõ các công ty Ấn Độ đang thực hiện nhiều dự án ở Mỹ Latinh, bao gồm cơ sở hạ tầng, truyền tải điện và khai thác mỏ, đồng thời cũng đang cung cấp các sản phẩm trong lĩnh vực vận chuyển và hàng không.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức. Đầu tiên, New Delhi vẫn chưa xây dựng một cơ chế để can dự với toàn bộ khu vực Mỹ Latinh - hoặc thậm chí là tham gia một cách có ý nghĩa với các nhóm nhỏ trong khu vực, chẳng hạn như SICA, Liên minh Thái Bình Dương (AP) hay CELAC. Điều này sẽ tiếp tục là khó khăn cho đến khi Mỹ Latinh đạt được mục tiêu hội nhập khu vực lâu dài. Đến lúc đó, Ấn Độ phải tập trung vào các mối quan hệ song phương với từng quốc gia trong khu vực. Tiếp theo, New Delhi chưa thể hiện quyết tâm chính trị để tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực chủ yếu thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các hiệp định thương mại ưu đãi (PTA) hiện tại mà Ấn Độ có với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Chile vẫn còn hạn chế về phạm vi.

Trước những thuận lợi và khó khăn nêu trên, Ấn Độ và Mỹ Latinh cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm phát huy đầy đủ tiềm năng vốn có của quan hệ song phương trong bối cảnh thế kỷ 21 đã chứng kiến sự khởi đầu đầy hứa hẹn.

Ngọc Thúy (PV TTXVN tại Ấn Độ)
Dấu mốc thay đổi mang tính thời đại về dân số toàn cầu và nỗi lo của Thủ tướng Ấn Độ Modi
Dấu mốc thay đổi mang tính thời đại về dân số toàn cầu và nỗi lo của Thủ tướng Ấn Độ Modi

Cả thế giới đã quen với danh hiệu quốc gia đông dân nhất hành tinh của Trung Quốc, nhưng hàng thập kỷ áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình đã làm chậm đáng kể tỷ lệ sinh của nước này, cho phép Ấn Độ vượt lên dẫn trước. Mặc dù vậy, việc sở hữu kỷ lục dân số thế giới không phải là danh hiệu mà hầu hết các quốc gia đều thèm muốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN