Trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới có ý nghĩa như thế nào đối với Ấn Độ?

Với tư cách là quốc gia có dân số đông nhất thế giới, Ấn Độ chắc chắn sẽ tìm cách khẳng định quyền lực và mở rộng sức ảnh hưởng nhiều hơn trên các diễn đàn toàn cầu.

Chú thích ảnh
Cảnh đông đúc tại một khu chợ ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tính toán của Liên hợp quốc (LHQ), Ấn Độ sẽ sớm vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Chiếm khoảng 2,4% diện tích đất liền trên thế giới, Ấn Độ hiện là nơi sinh sống của gần 1/5 người dân trên toàn cầu khi có trên 1,4 tỷ người, nhiều hơn toàn bộ dân số của châu Mỹ, châu Phi hoặc châu Âu.

Tất nhiên những so sánh này áp vào Trung Quốc - quốc gia châu Á có diện tích gấp khoảng ba lần Ấn Độ - vẫn đúng. Tuy nhiên, so với dân số Ấn Độ tương đối trẻ và đang tăng lên thì dân số Trung Quốc lại đang già đi và giảm bớt.

LHQ đã dự báo dân số của Ấn Độ vào ngày 1/1/2023 là 1.422.026.528 người và sẽ là 1.428.627.663 người vào ngày 1/7/2023, tăng trên 6,6 triệu người. Vào ngày 1/1/2023, Trung Quốc đứng ở vị trí số 1 với dân số 1.425.849.288 người, con số này dự kiến sẽ giảm xuống còn 1.425.671.352 người vào tháng 7 do Trung Quốc mất đi tổng cộng gần 178.000 người.

Không chỉ nhiều dân lên, dữ liệu của LHQ cho thấy Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất. Hơn một nửa dân số ở độ tuổi dưới 30, với độ tuổi trung bình là 28. Trong khi ở Mỹ và Trung Quốc, độ tuổi trung bình dân số là 38.

Lợi thế dân số trẻ có thể đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Với hơn 2/3 dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi), Ấn Độ có thể sản xuất và tiêu thụ nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, thúc đẩy đổi mới và bắt kịp với những thay đổi công nghệ liên tục.

Trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã nỗ lực rất nhiều để trở thành nền dân chủ lớn nhất thế giới, đặc biệt là kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Nadendra Modi bắt đầu tăng cường chính sách ngoại giao của mình để tạo chỗ đứng trên trường quốc tế. Với tư cách là quốc gia có dân số đông nhất thế giới, Ấn Độ chắc chắn sẽ tìm cách khẳng định quyền lực và sức ảnh hưởng nhiều hơn trên các diễn đàn toàn cầu.

Cụ thể, Ấn Độ sẽ cố gắng giành một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ. Hiện tại chỉ có 5 quốc gia là thành viên thường trực của HĐBA LHQ, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Vị thế của quốc gia đông dân nhất cũng sẽ giúp Ấn Độ khẳng định vai trò lãnh đạo khu vực phía Nam toàn cầu mà nước này đã phấn đấu sau khi đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm G20 vào năm ngoái. Đây được cho là cơ hội để chính quyền của ông Narendra Modi thúc đẩy tham vọng thay đổi trật tự thế giới, vốn được hình thành từ sau Thế chiến II. Quan điểm của Ấn Độ là xem xét lại ưu thế của phương Tây và đẩy mạnh mục tiêu “Ấn Độ trên hết”, với tham vọng biến mình thành cường quốc sau gần 100 năm độc lập kể từ 1947.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)
Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ
Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ

Mỹ đã nổi lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong tài khóa 2022-2023 nhờ mối quan hệ kinh tế ngày càng khăng khít giữa hai nước. Kết luận này được đưa ra dựa trên dữ liệu của Bộ Công thương Ấn Độ, theo đó cho thấy kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng vọt trong tài khóa vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN