Mỹ lập trạm quan sát ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, có thực sự muốn giúp như tuyên bố?

Mỹ đang thiết lập một số trạm quan sát ở miền Bắc Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong một động thái chia sẻ thông tin tình báo quân sự về các phong trào khủng bố nhăm nhe tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ từ nước láng giềng.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ bắt đầu tuần tra chung tại thành phố Manbij miền Bắc Syria từ 1/11. Ảnh: Reuters

Với các trạm quan sát mới, Mỹ khẳng định sẽ không cử thêm binh sĩ tới Syria mà điều động lực lượng gồm 2.000 binh sĩ đóng quân sẵn tại quốc gia Trung Đông tới các trạm làm nhiệm vụ.

Đài Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại một cuộc họp báo Lầu Năm Góc ngày 22/11 đưa tin mục đích của hoạt động quân sự này là cung cấp cho phía Thổ Nhĩ Kỳ thông tin tình báo quân sự về các nhân tố khủng bố đang di chuyển từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Mattis nêu rõ: "Các trạm quan sát tại biên giới phía Bắc của Syria nhằm đảm bảo Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF), trong đó có Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), không rút khỏi cuộc chiến chống IS, để chúng ta có thể tiêu diệt các tay súng khủng bố".

Ông cũng cho biết thêm rằng quyết định này được đưa ra sau khi tham vấn và nhận được sự hợp tác chặt chẽ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

SDF được Mỹ hậu thuẫn để chiến đấu chống IS tại Syria. Tuy nhiên, lực lượng này bị Ankara cho rằng có liên quan tới Đảng Công nhân người Kurd (PKK) – một tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt kê vào danh sách khủng bố.

Theo báo Arab News, giới chuyên gia nhận định thông báo của Bộ trưởng Mattis sẽ khiến căng thẳng giữa Washington và Ankara leo thang, do Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá động thái trên đem lại lợi ích cho lực lượng dân quân YPG.

Sinan Hatahet, một chuyên gia về Syria tại Diễn đàn Al-Sharq ở Istanbul, cho biết thông báo của Bộ trưởng Mattis “chắc chắn sẽ gây ra một vấn đề mới với Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù nó sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa hai bên đang diễn ra tại Manbij”.

Theo ông Hatahet, Mỹ đang tìm cách cân bằng giữa việc duy trì mối quan hệ của mình với các quốc gia tham chiến ở Syria và với các đối tác địa phương hỗ trợ trên mặt đất.

Sinan Ulgen, một cựu nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời là người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Chính sách đối ngoại ở Istanbul, cho biết Ankara có thể sẽ phản ứng tiêu cực với tuyên bố của Bộ trưởng Mattis, vì nó báo hiệu Mỹ tiếp tục ủng hộ YPG. "Mối quan tâm hiện giờ sẽ xoay quanh việc liệu Washington có cam kết thực sự xây dựng các trạm quan sát này nhằm tăng cường an ninh biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ hay không", chuyên gia Sinan Ulgen giải thích.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar gần đây đã chỉ trích một bức ảnh chụp các binh lính Mỹ ăn tối với các thành viên YPG ở Manbij. "Việc Mỹ cung cấp vũ khí và đạn dược cho nhóm khủng bố YPG là điều không thể được", Bộ trưởng Akar chỉ trích.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng phản đối hoạt động tuần tra chung giữa Mỹ và SDF gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, khẳng định động thái là không thể chấp nhận, đồng thời hy vọng Mỹ sẽ chấm dứt hoạt động này.

Hoạt động tuần tra được khởi động tuần trước ở miền Bắc Syria, nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh người Kurd của Washington, song Ankara vẫn tiếp tục đe dọa tiến hành cuộc tấn công mới nhằm đập tan lực lượng người Kurd.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tàu Nga chở hàng nghìn tấn vũ khí thẳng tiến Syria, chuẩn bị mở chiến dịch tấn công mới
Tàu Nga chở hàng nghìn tấn vũ khí thẳng tiến Syria, chuẩn bị mở chiến dịch tấn công mới

Tàu chiến Hải quân Nga được cho là chở theo số lượng lớn xe tăng và phương tiện bọc thép tiến về Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN