Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh việc đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ "không bao giờ là một giải pháp" hay là sự kết thúc của một tiến trình phi hạt nhân hóa, mà "chúng tôi hy vọng đó sẽ là một sự khởi đầu". Quan chức này cũng nhấn mạnh Washington không xem việc đóng băng hạt nhân với Bình Nhưỡng là "mục tiêu cuối cùng" mà là "bước đi đầu tiên của tiến trình (phi hạt nhân hóa Triều Tiên)".
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Washington vẫn duy trì mục tiêu thủ tiêu tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên. Bà cho biết đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc trong chuyến thăm châu Âu trong tuần này, thảo luận về những phương án để đạt được mục tiêu trên.
Ngoài ra, đề cập tới cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu vực Phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên hồi cuối tháng 6 vừa qua, bà Ortagus cho biết đây đơn thuần là một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước chứ không phải là một hội nghị thượng đỉnh hay một cuộc đàm phán.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã bác bỏ một bài viết trên tờ New York Times về khả năng một thỏa thuận đóng băng các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên sẽ ra đời với sự nhượng bộ từ phía Mỹ. Theo báo này, khái niệm phong tỏa hạt nhân, đang định hình trong chính quyền của Tổng thống Trump, "về bản chất là duy trì hiện trạng và ngầm chấp nhận Triều Tiên là một nước hạt nhân". Báo này cho biết nhiều quan chức đang nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên, thay vì phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Kể từ năm 2017, Triều Tiên đã tạm ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, hành động mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần ca ngợi là thành tựu quan trọng mà ông đã đạt được với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên rơi vào đình trệ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thứ hai tại Hà Nội (Việt Nam) hồi tháng 2 vừa qua kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Trong bối cảnh đó, trong cuộc họp kín tại DMZ hồi cuối tháng 6 vừa qua, việc lãnh đạo hai nước nhất trí nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên đã mở ra triển vọng mới. Ngoại trưởng Mỹ từng nói rằng các cuộc đàm phán có thể sẽ diễn ra "vào một thời điểm nào đó trong tháng 7".