Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria và Iraq đã tuyên bố đứng đằng sau vụ tấn công này.
Phóng viên TTXVN tại Washington cho biết, phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố nước Mỹ sẽ không đóng sập cánh cửa đối với người tị nạn Syria vì chính họ là những người chịu nhiều tổn thương nhất do chủ nghĩa khủng bố. Phát biểu với báo giới cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khẳng định: “Người tị nạn từ Syria là đối tượng bị xét duyệt an ninh kỹ càng nhất trước khi tới Mỹ. Chúng tôi cho rằng Mỹ có thể làm điều đó một cách an toàn và phản ánh các giá trị của người Mỹ”.
Trên chương trình “Gặp gỡ Báo chí” của kênh tin tức NBC News, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cũng cho biết Washington sẽ không thay đổi kế hoạch tiếp nhận người tị nạn Syria. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “sẽ có một quá trình xét duyệt cẩn trọng với sự tham gia của cộng đồng tình báo, Bộ An ninh nội địa và Trung tâm Chống khủng bố của Mỹ”. Giới chức Nhà Trắng cho biết các biện pháp an ninh chặt chẽ đã sẵn sàng được triển khai và chính phủ không thấy cần thiết phải thay đổi kế hoạch tiếp nhận người tị nạn Syria sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris.
Trước đó, tháng 9 vừa qua, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ sẽ tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria trước cuối năm 2016 và con số này sẽ được tăng lên thành 100.000 người vào năm 2017. Trong hơn hai tháng qua, những người tị nạn Syria đầu tiên đã tới các tiểu bang New Orleans, Louisiana, New Jersey và một số khu vực khác.
Hơn 20 bang của Mỹ từ chối người tị nạn Người tị nạn và di cư tại khu vực biên giới Hy Lạp- Macedonia ngày 10/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giới chức Chính phủ Mỹ đưa ra tuyên bố trên sau khi ít nhất 20 bang của nước này thông báo sẽ không tiếp nhận người tị nạn từ Syria cho tới khi các biện pháp an ninh cao độ được thực thi. Các thống đốc bang Alabama, Arizona, Arkansas, Illinois, Indiana, Louisiana, Michigan, Mississippi, Massachusetts và Texas tuyên bố mối quan tâm hàng đầu của họ phải là sự an toàn của người dân và không thể loại trừ khả năng một số người tị nạn Syria có quan hệ với các nhóm khủng bố. Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson cho rằng kế hoạch tái định cư người tị nạn Syria tới Mỹ là “một chiến lược không đúng đắn”. Dự kiến số bang từ chối tiếp nhận người tỵ nạn sẽ còn gia tăng trong bối cảnh an ninh quốc gia đang trở thành vấn đề được quan tâm nhất hiện nay ở Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, phe Cộng hòa cũng lên tiếng hối thúc Nhà Trắng điều chỉnh chiến lược chống IS sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris của Pháp. Ngày 16/11, các ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng Cộng hòa cam kết sẽ theo đuổi một cách tiếp cận cứng rắn hơn để đối phó với nhóm IS. Ứng cử viên Jeb Bush cho rằng việc Mỹ tăng cường sự hiện diện của binh sĩ ở Trung Đông là cần thiết, trong khi tỷ phú Donald Trump tuyên bố ông sẽ xem xét việc đóng cửa một số nhà thờ Hồi giáo tại Mỹ. Sau vụ tấn công ở Paris, các ứng cử viên Cộng hòa tiếp tục hối thúc Chính quyền Tổng thống Obama tăng cường bộ binh tới Trung Đông, thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Syria và phối hợp hiệu quả hơn với các đồng minh của Washington.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận, vụ tấn công khủng bố ở Paris đã ảnh hưởng trực tiếp tới chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 khi phần lớn các cử chi được hỏi nói rằng an ninh quốc gia trước các vụ tấn công bất ngờ hiện là mối quan tâm hàng đầu của họ. Một ứng cử viên tổng thống tiềm năng khác của Đảng Cộng hòa là Thượng nghị sĩ Rand Paul cùng ngày cho biết ông sẽ trình một dự luật nhằm lập tức đình chỉ việc cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ cho những người tị nạn chạy trốn các nhóm cực đoan. Ông Rand Paul tuyên bố muốn ngừng cấp thị thực nhập cảnh đối với người dân khoảng 30 quốc gia có xảy ra các hoạt động thánh chiến.