Phát biểu với báo giới tại một căn cứ quân sự gần thủ đô Washington khi đang chuẩn bị lên đường tới thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania), Tổng thống Biden khẳng định: “Họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giống nhau”, vì vậy, Mỹ “sẽ không đơn giản hóa” tiến trình gia nhập NATO của Ukraine.
Bình luận của Tổng thống Mỹ được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius (Litva) trong tháng tới.
Trước đó, hôm 16/6, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự này đang nhắm mục tiêu tổ chức phiên họp đầu tiên của Hội đồng NATO-Ukraine với Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Vilnius. Cuộc gặp sẽ mang lại cho Ukraine vị thế bình đẳng hơn trong tiến trình “tham vấn và quyết định về các vấn đề an ninh”. Tuy vậy, ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh mặc dù NATO sẽ siết chặt quan hệ chính trị với Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius, song sẽ không có bất cứ cuộc thảo luận nào về chủ đề trao tư cách thành viên cho Kiev.
Ngày 24/5, Tổng Thư ký Stoltenberg đã thừa nhận các quốc gia thành viên NATO đang chia rẽ về những việc cần làm tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius liên quan đến quá trình Ukraine thúc đẩy gia nhập liên minh quân sự này. Các quốc gia thành viên NATO đã viện trợ số lượng vũ khí tổng có giá trị lên tới hàng chục tỷ USD cho Ukraine kể từ cuối tháng 2/2022, song một số nhà lãnh đạo trong khối lo ngại quyết định trao tư cách thành viên cho Kiev sẽ làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.
Đến nay, NATO chưa chấp thuận đề nghị của Ukraine là tạo điều kiện thuận lợi để Kiev sớm được gia nhập liên minh quân sự này. Ukraine dự kiến sẽ đưa ra “thông điệp rõ ràng” tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius rằng Kiev sẽ gia nhập NATO sau khi cuộc xung đột với Nga kết thúc. Ukraine thừa nhận sẽ không gia nhập NATO khi đang xảy ra xung đột trên lãnh thổ nước này, nhưng muốn liên minh quân sự có hành động vượt ra ngoài cam kết đưa ra hồi năm 2008 rằng sẽ kết nạp Kiev vào một thời điểm nào đó.