Châu Âu và NATO vẫn đang cạnh tranh nội bộ để tìm người kế nhiệm Tổng Thư ký (TTK) NATO đương nhiệm Jens Stoltenberg. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 9 năm, TTK Stoltenberg sẽ từ chức vào tháng 9, để lại một khoảng trống quyền lực làm dấy lên nhiều đồn đoán về người kế nhiệm tương lai.
Cuộc cạnh tranh để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của NATO đang hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, diễn biến cuộc đua vẫn còn là một bí ẩn khi không có ứng viên tiềm năng nào dẫn đầu với khoảng cách cách biệt. Nhiều thành viên NATO hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề kế nhiệm tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Litva vào tháng 7 này.
Quá trình ra quyết định của NATO về người sẽ lãnh đạo liên minh này dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Nguyên tắc này không bao gồm tổ chức biểu quyết mà các thành viên sẽ tham gia thảo luận và tham vấn cho đến khi đạt được sự đồng thuận từ tất cả các thành viên. Tuy nhiên, sức mạnh quyền lực do Mỹ, Anh, Pháp và Đức nắm giữ dường như vẫn đóng một vai trò quyết định trong việc ai sẽ trở thành lãnh đạo NATO.
Tân tổng thư ký NATO sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức, trong đó vừa phải củng cố hỗ trợ cho Ukraine đồng thời ngăn chặn các sự cố có thể leo thang thành xung đột trực tiếp với Nga.
Trong số ít những cái tên ứng viên nổi bật cho vị trí TTK NATO gần đây, đáng chú ý là Chrystia Freeland, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada; Mette Frederiksen, Thủ tướng Đan Mạch; Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh; và Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).
Bà Freeland (54 tuổi) có đời ông bà là người Ukraine nhập cư vào Canada. Bà có thể nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Ukraine và Italy. Bà từng là một nhà báo và nhà văn, có công trong việc điều hướng các mối quan hệ thương mại của Canada, bao gồm cả việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Về vấn đề Ukraine, bà ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền của Ukraine và phản đối Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, tán thành các biện pháp trừng phạt Nga. Một số nhà phê bình lo ngại lập trường của bà có thể làm leo thang căng thẳng và ảnh hưởng đến tính khách quan trong các vấn đề liên quan đến Nga.
Về Trung Quốc, bà có quan điểm thận trọng về kinh tế đối với quốc gia châu Á này. Bà Freeland ủng hộ mối quan hệ thương mại tự do với Trung Quốc, nhưng liên tục nhấn mạnh vào nhân quyền, nói rằng các mối quan hệ kinh tế không nên xóa mờ những lo ngại về dân chủ và quyền tự do dân sự. Kinh nghiệm định hướng các hiệp định thương mại phức tạp và khả năng đa ngôn ngữ khiến nữ Phó Thủ tướng Canada trở thành ứng cử viên nặng ký cho vị trí đứng đầu NATO. Nếu trở thành TTK NATO, ưu tiên của bà Freeland sẽ là tầm quan trọng của các mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương và vai trò của an ninh kinh tế trong sứ mệnh của NATO. Tuy nhiên, sự cân bằng mà bà phải đạt được giữa lợi ích kinh tế và ý thức hệ chính trị sẽ là một thách thức, trước những tình huống khó xử lớn hơn mà các nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt ngày nay.
Ứng viên tiềm năng thứ 2 cho chức vụ TTK NATO là Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen (45 tuổi), lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội, một đảng chính trị trung tả. Lối tiếp cận thực tế đối với phúc lợi xã hội và nhập cư đã định hình sự nghiệp chính trị của bà. Bà đã mở ra cho Đan Mạch một giai đoạn chính sách tập trung vào việc nhập cư "thực tế và công bằng". Tuy nhiên, chính sách của bà cũng vấp phải sự chỉ trích từ một số nhóm nhân quyền.
Bà Frederiksen ủng hộ các vấn đề công bằng xã hội trong khuôn khổ NATO, ủng hộ việc chia sẻ gánh nặng giữa các quốc gia thành viên. Về Ukraine, bà Frederiksen không ngại giải quyết các vấn đề cấp bách của cuộc xung đột.
Đối với Nga, bà thực hiện chính sách cân bằng giữa răn đe và đối thoại, nhấn mạnh duy trì liên lạc cởi mở nhưng vẫn áp dụng các biện pháp trừng phạt khi cần thiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace (53 tuổi) cũng là một cái tên đáng chú ý trong cuộc đua trở thành người đứng đầu NATO khi bản thân ông có hiểu biết đáng kể về cấu trúc và mục tiêu quân sự NATO. Kể từ năm 2019, ông đã xử lý các vấn đề quốc phòng quan trọng, bao gồm các mối đe dọa an ninh mạng và răn đe hạt nhân của Anh. Trước khi hoạt động chính trị, ông Wallace là một hạ sĩ quan trong Lực lượng Vệ binh Scotland. Trong nhiệm kỳ làm bộ trưởng quốc phòng Anh, ông đã có những đóng góp đối với quốc phòng của Anh thời hậu Brexit.
Liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, Bộ trưởng Wallace ủng hộ phản ứng thống nhất của NATO, khuyến khích các chiến lược không leo thang để giải quyết tình hình. Sự hiểu biết của ông về những điều phức tạp về địa chính trị của Đông Âu được thể hiện rõ ràng trong cách tiếp cận của ông. Là một thành viên của đảng Bảo thủ, Bộ trưởng Wallace cũng khá thận trọng khi nhắc đến Nga. Ông đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng toàn cầu của Nga, nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp đối phó mạnh mẽ mà không trực tiếp gây ra xung đột.
Nói đến Trung Quốc, Bộ trưởng Wallace có một hiểu biết sâu sắc về vai trò của siêu cường mới nổi trong địa chính trị toàn cầu. Trở thành TTK NATO, ông Wallace có thể ưu tiên tầm quan trọng trong giao tiếp với Trung Quốc về mặt chiến lược và ngoại giao, nhấn mạnh hợp tác kinh tế và tôn trọng lẫn nhau. Ông cũng có thể làm nổi bật tầm quan trọng của các ưu tiên phòng thủ truyền thống của NATO, bao gồm răn đe hạt nhân, đồng thời thúc đẩy tăng cường hợp tác đối phó với các mối đe dọa mới nổi, như chiến tranh mạng và thông tin.
Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng quan điểm lấy quân đội làm trung tâm của ông Wallace có thể hạn chế cách tiếp cận ngoại giao của ông, đặc biệt là với các nước như Nga và Trung Quốc.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (64 tuổi) là một nhân vật có vai trò to lớn không thể phủ nhận trong Liên minh châu Âu. Bà từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức. Chính vị trí này đã giúp bà thúc đẩy một EU mạnh mẽ hơn, chủ động hơn trên toàn cầu.
Một trong những đề xuất táo bạo của bà là thành lập quân đội EU. Bà Von der Leyen ủng hộ sự hội nhập hơn nữa của các cấu trúc an ninh của EU và NATO, dường như sẵn sàng nâng cao ảnh hưởng của các quốc gia châu Âu trong liên minh NATO. Sự kiên định của bà về một cấu trúc an ninh EU-NATO tích hợp và vai trò toàn cầu quyết đoán hơn của các nước châu Âu có thể dẫn đến một liên minh gắn kết và mạnh mẽ hơn.
Bà Von der Leyen duy trì lập trường rõ ràng và kiên định về cuộc xung đột Ukraine. Bà luôn nhấn mạnh cam kết của EU đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, thường kêu gọi một giải pháp ngoại giao đồng thời ủng hộ việc tiếp tục trừng phạt Nga. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng cách tiếp cận này có thể vô tình đẩy Nga tiến xa hơn về phía Đông, củng cố liên minh với Trung Quốc và các cường quốc châu Á khác.
Đối với Trung Quốc, bà thừa nhận tầm quan trọng kinh tế của gã khổng lồ châu Á và ủng hộ việc tiếp tục quan hệ thương mại.
Nhóm người phản đối bà cho rằng xu hướng hội nhập mà bà Von der Leyen muốn EU hướng tới có thể làm giảm chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên và mở rộng quá mức khả năng của EU. Chính vì vậy, thách thức mà bà Von der Leyen phải đối mặt khi trở thành tổng thư ký NATO sẽ là phải cân bằng giữa việc theo đuổi một mặt trận thống nhất và đảm bảo lợi ích của từng quốc gia.