Theo báo Nezavisimaya Gazeta ngày 20/7, sau khi Iran tiếp đón hai nhà lãnh đạo nước ngoài trong tuần này - Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - Bộ Ngoại giao Mỹ đã hối thúc nhà chức trách ở Tehran đưa ra lựa chọn - dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây hoặc "phụ thuộc vào Nga".
Mỹ đã cảnh báo Iran rằng họ có nguy cơ phụ thuộc vào một nước Nga bị cô lập sau khi Tehran chào đón Tổng thống Putin. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với các phóng viên rằng Tehran đã từ bỏ "trung lập" để ủng hộ Moskva trong cuộc xung đột với Ukraine" sau khi Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamene kêu gọi 'hợp tác lâu dài' với Nga.
Mặt khác, ông Price đã đưa ra tín hiệu rằng việc Iran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung - JCPOA) - được Tổng thống Joe Biden hậu thuẫn sau khi người tiền nhiệm Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này - sẽ bắt đầu một "mối quan hệ kinh tế mới với các nước khác trên thế giới".
Theo ông Price, các hành động của Iran đang gửi đi một tín hiệu rằng họ không quan tâm đến JCPOA.
Về phần mình, đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran Robert Malley cũng đưa ra những tuyên bố tương tự. Bình luận về kết quả của hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Moskva, Tehran và Ankara trên CNN, nhà ngoại giao Mỹ lưu ý rằng Iran “có thể chọn vị thế phụ thuộc tương đối vào Nga, quốc gia đang bị cô lập quốc tế” hoặc dựa vào “quan hệ kinh tế bình thường với các nước láng giềng, châu Âu và phần còn lại của thế giới".
Ông Malley chỉ ra rằng đã đến lúc quốc gia Trung Đông này quay trở lại đàm phán về việc khôi phục "thỏa thuận hạt nhân" năm 2015. Việc từ chối đối thoại này có nghĩa là Iran "sẽ phải hướng về Nga".
Đặc phái viên Mỹ nhấn mạnh: "Mỗi ngày chậm trễ sẽ khiến cho việc ký kết thỏa thuận khó có thể xảy ra. Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ vào tháng 3 năm nay trong bối cảnh Tehran nhất quyết yêu cầu chính trị nhằm loại bỏ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài của Mỹ. Ngay cả sự hòa giải của Qatar cũng không đem lại hiệu quả gì".
Bình luận về khả năng chuyến thăm sẽ trở thành một lý do khác khiến Mỹ gây áp lực lên Tehran, chuyên gia quân sự Nga Yuri Lyamin nhận định rằng chính quyền Biden dường như vẫn duy trì chính sách “gây áp lực tối đa" thời chính quyền Trump. Do đó, Nhà Trắng sẽ nỗ lực sử dụng áp lực trừng phạt hiện có như một "cây gậy" trong các cuộc đàm phán (hạt nhân), trong khi việc nới lỏng các hạn chế có thể xảy ra trong trường hợp JCPOA có thỏa hiệp là "củ cà rốt".