Cụ thể, tại một cuộc họp báo, quan chức này nêu rõ các biện pháp trừng phạt được Bộ Ngoại giao Mỹ đề xuất ngày 19/2 chưa phải là "cái kết của câu chuyện". Ông Ned Price khẳng định Mỹ không loại trừ khả năng đưa ra "các biện pháp bổ sung" liên quan đến dự án nói trên nếu cần thiết để đáp ứng yêu cầu của các nghị sĩ. Theo ông Price, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thông qua các biện pháp bổ sung một cách "không do dự" nếu thực sự cần.
Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trình Quốc hội nước này báo cáo về các biện pháp trừng phạt mới với dự "Dòng chảy phương Bắc 2". Tuy nhiên, một số nghị sĩ Mỹ cho rằng những biện pháp mới không đủ mạnh để ngăn chặn dự án này.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ban đầu dự kiến sẽ được đưa vào vận hành đầu năm 2020, được cho là sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), hoạt động từ năm 2012 và đảm bảo nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu thông qua biển Baltic.
Đến nay, 94% dự án đã được hoàn thành và chỉ còn một đoạn đường ống dài khoảng 120 km ở vùng biển sâu ngoài khơi Đan Mạch và khoảng 28 km trong vùng biển của Đức. Tuy nhiên, việc lắp đặt các tuyến đường ống trên đã bị ngưng trệ do Mỹ, quốc gia đang thúc đẩy bán khí đốt hóa lỏng của mình sang châu Âu, đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với dự án vào tháng 12/2019 như một phần của Đạo luật Bảo vệ Năng lượng cho châu Âu (PEESA), yêu cầu các công ty chịu trách nhiệm đặt đường ống ngừng hoạt động.
Truyền thông Đức đánh giá dự án này là một trở ngại trong định hướng cải thiện quan hệ giữa 2 quốc gia đồng minh dưới thời Tổng thống Biden. Trong khi các nghị sĩ Mỹ kêu gọi chính quyền mới không từ bỏ chính sách cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm với "Dòng chảy phương Bắc 2" thì tới nay Đức vẫn không thay đổi lập trường cơ bản ủng hộ dự án này. Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Biden có nhượng bộ hay không và sẽ nhượng bộ như thế nào, nếu tính đến lập trường kiên quyết của Berlin liên quan đến số phận của đường ống này.