Theo đó, chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Đức - quốc gia chủ chốt thúc đẩy dự án, phải đưa ra một "gói giải pháp" giải quyết "những quan ngại của Washington" về tác động của tuyến đường ống trên đối với an ninh ở khu vực Trung Âu. Trước đó, Mỹ và một số nước châu Âu như Ba Lan đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng dự án sẽ khiến Liên minh châu Âu (EU) thêm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Theo trang tin Energygetyka24.com, Berlin vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào. Tuy nhiên, phát biểu ngày 1/2 tại cuộc họp báo trước đó, Phó phát ngôn Chính phủ Đức Marina Fietz nhấn mạnh Chính phủ Đức vẫn không thay đổi lập trường cơ bản đối với dự án đường ống này.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ban đầu dự kiến sẽ được đưa vào vận hành đầu năm 2020, được cho là sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), hoạt động từ năm 2012 và đảm bảo nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu thông qua biển Baltic. Theo đó, khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm sẽ được dẫn trực tiếp từ bờ biển Nga đi qua Biển Baltic đến Đức. Đến nay, 94% dự án đã được hoàn thành và chỉ còn một đoạn đường ống dài khoảng 120 km ở vùng biển sâu ngoài khơi Đan Mạch và khoảng 28 km trong vùng biển của Đức. Tuy nhiên, việc lắp đặt các tuyến đường ống trên đã bị ngưng trệ sau khi Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt đối với dự án vào tháng 12/2019 như một phần của Đạo luật Bảo vệ Năng lượng cho châu Âu (PEESA).
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 1/2 tuyên bố Nga có thể sẽ nộp đơn kiện các quốc gia gây trở ngại cho việc thực hiện dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Ông Medvedev cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi cần nó và châu Âu, trong đó có Đức cũng vậy. Các đối tác của chúng tôi ở Đức cũng nói thẳng về việc này. Nếu họ giữ vững quan điểm và tránh để tâm đến lập trường của Mỹ thì rõ ràng đường ống này sẽ được hoàn thiện".