Sau khi người sáng lập Huawei ông Nhậm Chính Phi nói trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC hùng hồn khẳng định Mỹ không thể nào “đánh bại” nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc, Tổng thống Trump thể hiện mong muốn Mỹ phải “chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này, sẽ không bị bất kỳ công nghệ tân tiến nào ngăn cản”.
Cũng trong dòng trạng thái, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ “luôn phải là người dẫn đầu trong mọi việc, đặc biệt là khi nói đến thế giới công nghệ đầy thú vị”. Người đứng đầu Nhà Trắng còn muốn “công nghệ 5G, thậm chí 6G có mặt tại Mỹ càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, dòng trạng thái lại không đề cập đích danh Tập đoàn Huawei.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), những dòng trạng thái trên của Tổng thống Trump dường như có phần mâu thuẫn với những quan điểm mà chính quyền của ông đưa ra đối với Huawei.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ không làm “đối tác” với bất kỳ quốc gia nào tiếp nhận công nghệ của Huawei.
“Nếu bất kỳ quốc gia nào chấp nhận công nghệ của Huawei và cài đặt vào hệ thống thông tin quan trọng, chúng tôi sẽ không thể chia sẻ thông tin với quốc gia đó. Trong một số trường hợp có rủi ro - chúng tôi thậm chí sẽ không triển khai các nguồn lực của Mỹ tại quốc gia đó như mở một đại sứ quán hay xây dựng một tiền đồn”, Ngoại trưởng Pompeo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business.
Được hình thành từ năm 1987, Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc với hơn 170.000 nhân viên, sản phẩm có mặt trên hơn 170 thị trường và doanh thu thường niên luôn vượt mức 100 tỷ USD.
Hiện công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ Mỹ vì những cáo buộc họ có quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Trung Quốc và thiết bị của họ có thể được sử dụng với mục đích gián điệp. Phản ứng trước những cáo buộc, Huawei nhiều lên lên tiếng bác bỏ. Trong tuyên bố mới nhất, Chủ tịch Huawei – ông Liang Hua – ngày 21/2 khẳng định công ty sẽ từ chối bất kỳ yêu cầu nào của Chính phủ Trung Quốc liên quan đến việc mở “cửa sau” để họ truy cập vào các mạng lưới viễn thông nước ngoài vì Huawei không có nghĩa vụ pháp lý phải làm như vậy.
Trong khi những nghi ngờ của Mỹ đối với Huawei “âm ỉ” suốt nhiều năm qua, thì động thái tẩy chay kế hoạch phát triển công nghệ 5G của công ty này ngày một mãnh liệt cùng lúc với căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang. Ngày 21/2, phái đoàn đàm phán thương mại của cả hai nước đã bắt đầu một vòng đàm phán cấp cao mới ở thủ đô Washington (Mỹ).
Theo đánh giá của các chuyên gia, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ dịu bớt trong vài tháng tới khi hai bên đạt được sự đồng thuận về một loạt các vấn đề thương mại.
Ông Xie Maosong, Trợ lý Tổng thư ký Viện Chiến lược đổi mới và phát triển Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh, bày tỏ sự lạc quan rằng nữ Phó Chủ tịch Huawei, bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada hồi đầu tháng 12/2018 do yêu cầu từ phía Mỹ, sẽ được thả trong vài tuần tới.
“Cá nhân tôi đánh giá sẽ có một số thỏa thuận đạt được giữa hai bên trong tháng 3 và bà Mạnh Vãn chu có thể được trả tự do vào tháng 4 hoặc tháng 5”, ông Xie dự đoán.
Chuyên gia Xie nói rằng ông tin tưởng có được kết quả như vậy là do các biện pháp đối phó mà Trung Quốc triển khai - cụ thể là việc bắt giữ hai công dân Canada bị buộc tội gây nguy hiểm cho an ninh nhà nước - để gây áp lực với Canada.
Bà Mạnh Vãn Chu – con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi - hiện đang bị quản thúc tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ tìm cách dẫn độ bà với cáo buộc hình sự. Các quan chức hành pháp Mỹ công bố 23 cáo buộc chống lại công ty Huawei và nữ Phó Chủ tịch, bao gồm rửa tiền, lừa đảo và trộm cắp tài sản trí tuệ. Phiên điều trần tiếp theo của bà được ấn định vào ngày 6/3.