Theo đài RT, khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, Lầu Năm Góc chủ yếu dựa vào các máy bay chở hàng để gửi viện trợ cho Chính phủ Ukraine. Vài tuần sau khi chiến sự bùng nổ, Washington bắt đầu sử dụng các tuyến đường biển để gửi một số vũ khí tới Ukraine. Sau đó, phương thức vận chuyển bằng đường biển được mở rộng đáng kể, khi Washington bắt đầu gửi các khẩu lựu pháo và vũ khí hạng nặng khác cho Ukraine.
Đại tá Lục quân Steven Putthoff, Phó Chỉ huy Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ, cho biết: “Khi chúng tôi bắt đầu cung cấp lựu pháo cho Kiev, chúng tôi biết rõ rằng họ sẽ cần thêm đạn dược. Vì vậy, chúng tôi lên kế hoạch trước, sau đó bắt đầu sử dụng phương thức vận tải biển nhiều hơn để viện trợ cho Kiev, đôi khi đạt mục tiêu trước yêu cầu”.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng máy bay vận chuyển vũ khí từ Mỹ đến châu Âu nhanh hơn nhiều, nhưng tàu có thể chở nhiều vũ khí hơn. Tờ Washington Post bình luận rằng việc chuyển đổi phương thức cung cấp vũ khí của Lầu Năm Góc báo hiệu giai đoạn mới của cuộc xung đột, khi Ukraine và các đồng minh chuẩn bị ứng phó với kịch bản được dự đoán là một cuộc xung đột khốc liệt, có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa.
Các quan chức quốc phòng Mỹ từ chối tiết lộ chi tiết các tuyến đường vận tải biển cụ thể được sử dụng để chuyển vũ khí tới Ukraine. Tuy nhiên, giới chức cho biết một số vũ khí đến từ Mỹ trực tiếp được chuyển tới chiến trường, trong khi số khác bổ sung cho kho dự trữ của Mỹ tại châu Âu, nơi từng chuyển vũ khí tới Ukraine trước đó.
Mỹ là nhà tài trợ vũ khí hàng đầu của Ukraine. Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt đến nay, quốc gia này đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính, cũng như các dữ liệu tình báo. Các loại vũ khí mà Mỹ đã chuyển giao cho quân đội Ukraine bao gồm hàng nghìn tên lửa phòng không Stinger, tên lửa chống tăng Javelin, bệ phóng tên lửa HIMARS, pháo M777 và hàng trăm chiếc máy bay không người lái chiến đấu.
Vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khoản viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Ukraine trị giá gần 3 tỷ USD. Gói viện trợ mới này được công bố trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền nam và đông Ukraine. Khoản viện trợ này sẽ giúp củng cố năng lực của quân đội Ukraine trong vòng 2 năm tới khi được trang bị các hệ thống phòng không, pháo binh, radar, máy bay trinh sát không người lái. Trước đó, Mỹ cũng đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ trị giá 775 triệu USD.
Nga đã nhiều lần cảnh báo về hành động “bơm” vũ khí cho Ukraine của Mỹ và các đồng minh, cho rằng chúng chỉ kéo dài xung đột và làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Moskva và NATO. Nga cũng tuyên bố họ sẽ coi các lô vũ khí phương Tây cấp cho Kiev là mục tiêu tấn công hợp pháp của Moskva.