Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ định ông Stephen Biegun, Phó Chủ tịch Tập đoàn ô tô Ford, làm đặc phái viên của Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên. Không lâu sau đó, quyền Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Marc Knapper đã được bổ nhiệm làm quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Triều Tiên và Nhật Bản.
Ngoài ra, ông Mark Lambert, Giám đốc chính sách về Hàn Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ, được chỉ định vào cương vị quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về vấn đề Triều Tiên. Hiện chưa rõ công việc này có trở thành một vị trí chính thức trong Bộ Ngoại giao Mỹ hay không. Ông Lambert có kinh nghiệm dày dạn về vấn đề Triều Tiên, trong đó có việc tham gia công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 vừa qua tại Singapore. Một nguồn tin cho hay nhiều khả năng ông Lambert sẽ hỗ trợ chuyên môn cho đặc phái viên Biegun, trong bối cảnh có thông tin cho rằng phái viên mới sẽ sớm có chuyến thăm tới Hàn Quốc và các quốc gia khác trong khu vực.
Cùng ngày, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - đã đăng một bài báo chỉ trích Washington gây cản trở tiến bộ trong quan hệ liên Triều thông qua việc duy trì áp đặt trừng phạt đối với Bình Nhưỡng bất chấp bầu không khí hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Tờ Rodong Sinmun kêu gọi Hàn Quốc không bị ảnh hưởng bởi Mỹ trong việc thực thi các thỏa thuận đạt được trong hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vừa qua. Báo này nhấn mạnh việc cải thiện mối quan hệ liên Triều không gây bất lợi gì đối với Mỹ.
Trong khi đó, trang web đối ngoại Uriminjokkiri của Triều Tiên cũng kêu gọi Hàn Quốc tập trung thực thi thỏa thuận Panmunjom, thay vì chịu tác động từ các thế lực bên ngoài trong việc cải thiện quan hệ hai miền. Cùng chung quan điểm này, một trang mạng thuộc sở hữu nhà nước khác là Meari cho rằng Seoul đã phá vỡ cam kết mở văn phòng liên lạc chung sớm nhất có thể do chịu ảnh hưởng từ Mỹ.
Những lời kêu gọi trên được đăng tải một ngày trước khi phái viên của Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong Tuyên bố Panmunjom được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh trước đó, hai miền Triều Tiên đã nhất trí hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” Bán đảo Triều Tiên, ngừng các hành động thù địch đối với nhau và thúc đẩy giao lưu liên Triều. Tuy nhiên, Triều Tiên đã tỏ ý thất vọng khi tiến triển trong hợp tác kinh tế giữa hai miền chậm hơn so với dự kiến, trong khi Hàn Quốc dường như chưa sẵn sàng thúc đẩy hợp tác đầy đủ, chủ yếu do các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Mỹ vẫn giữ quan điểm về việc sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt cho đến khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.
Hàn Quốc và Triều Tiên mới đây đã không tiến hành được một cuộc khảo sát thực địa chung về một tuyến đường sắt liên Triều do không được phép từ Bộ Chỉ huy của Liên hợp quốc (UNC). Trong khi đó, người phát ngôn Phủ tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom ngày 27/8 cũng tuyên bố Hàn Quốc sẽ xem xét lại việc mở văn phòng liên lạc liên Triều sau khi các cuộc đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa Triều Tiên rơi vào bế tắc.