Theo ông O'Brien, nếu Taliban không tuân thủ thỏa thuận giảm bạo lực, Mỹ sẽ xem xét cẩn thận và có thể sẽ không ký một thỏa thuận hòa bình, theo đó sẽ không giảm số binh sĩ tại Afganistan xuống dưới mức cần thiết để bảo vệ các lợi ích của Mỹ cũng như các đối tác của Mỹ tại quốc gia này.
Trước đó cùng ngày, phát biểu với báo giới trước thềm chuyến thăm Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Taliban "đã mệt mỏi vì giao tranh" và cả Mỹ lẫn Taliban đều đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Thỏa thuận giảm bạo lực trong 7 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/2 vừa qua, được xem là phép thử để các thủ lĩnh Taliban thể hiện năng lực kiểm soát các tay súng của nhóm này trước khi ký một thỏa thuận hòa bình với Mỹ.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban bắt đầu diễn ra kể từ năm 2018 và đã ít nhất 2 lần bị gián đoạn do các vụ tấn công của Taliban nhằm vào các binh sĩ Mỹ hồi tháng 9 và tháng 12 năm ngoái. Ngày 21/2 vừa qua, hai bên thông báo dự kiến ký thỏa thuận hòa bình vào ngày 29/2 sau khi thỏa thuận giảm bạo lực 7 ngày được thực thi tại Afghanistan.
Cuộc chiến tại Afghanistan là cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ. Các số liệu thống kê cho thấy kể từ khi bắt đầu triển khai quân đội tại quốc gia Nam Á này năm 2001, đến nay số binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại đây đã vượt quá 2.400 người.