Đây là khẳng định của đại diện Mỹ tại hội nghị Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 23 về biến đổi khí hậu (COP23) đang diễn ra tại thành phố Bonn của Đức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại hội nghị ngày 16/11, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Judith Garber khẳng định Mỹ vẫn giữ nguyên ý định giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, bà Garber cũng nêu rõ nguyên tắc định hướng của Mỹ là mọi người dân đều được tiếp cận với nguồn năng lượng giá rẻ và đảm bảo, cùng với thị trường mở và cạnh tranh nhằm thúc đẩy hiệu quả và an ninh năng lượng. Điều này không chỉ áp dụng với Mỹ mà còn trên cả thế giới.
Quan chức Mỹ cũng cho biết Tổng thống Trump vẫn giữ ý định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sớm nhất có thể song vẫn để ngỏ khả năng tham gia lại văn kiện này nếu các điều khoản thuận lợi hơn cho người dân Mỹ. Khẳng định rút lui khỏi hiệp ước lịch sử không có nghĩa Mỹ sẽ không tìm cách cắt giảm lượng khí phát thải từ nhiên liệu hóa thạch, bà Garber bày tỏ tin tưởng Mỹ sẽ vẫn là quốc gia đi đầu về năng lượng sạch và sáng tạo.
Trong khuôn khổ hội nghị tại Bonn cùng ngày, nhiều quốc gia, thành phố và khu vực đã phát động một sáng kiến về việc dần loại bỏ sử dụng than đá, loại nhiên liệu hóa thạch được dùng để sản xuất tới 40% lượng điện toàn cầu, vốn tạo ra lượng lớn khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Do Canada và Anh dẫn đầu, "Liên minh chống sử dụng than đá" có sự tham gia của hơn 20 quốc gia, khu vực và thành phố cam kết dần loại bỏ sử dụng than đá. Danh sách này bao gồm Angola, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Italy, Quần đảo Marshall, Hà Lan, New Zealand, Bồ Đào Nha và Mexico, các khu vực Ontario, Quebec, Alberta và thành phố Vancouver của Canada. Nước Mỹ chỉ có bang Washington tham gia.
Theo tổ chức Hòa bình Xanh, đây là một tín hiệu tích cực nữa về sự chuyển hướng toàn cầu khỏi than đá, loại năng lượng "bẩn nhất", nhằm mang lại lợi ích cho khí hậu, công chúng và nền kinh tế. Sáng kiến này đồng thời là lời cảnh báo đối với các quốc gia đang tụt hậu trong việc chấm dứt sử dụng than, hoặc những nước đang thúc đẩy sử dụng than rằng loại nhiên liệu hóa thạch này không có tương lai. Liên minh này được phát động sau khi hồi đầu tuần, Washington tổ chức một sự kiện giữa các quan chức Nhà Trắng và quan chức năng lượng Mỹ về thúc đẩy vai trò của nhiên liệu hóa thạch "sạch hơn" nhằm giảm thiểu biển đổi khí hậu.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu yêu cầu các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C thậm chí 1,5 độ C nếu có thể so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19). Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo dù các quốc gia thực hiện các cam kết tự nguyện về cắt giảm khí thải carbon hiện nay, mức tăng nhiệt độ vẫn không thể giảm như mục tiêu.
Với việc tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris, Tổng thống Trump đã bỏ ngang cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm lượng khí thải xuống thấp hơn so với năm 2005 26% - 28% do chính quyền tiền nhiệm đưa ra. Ngoài ra, khoản viện trợ 2,5 tỷ USD Mỹ cam kết dành cho các quốc gia nghèo hơn để thích nghi với biến đổi khí hậu và đối phó với các ảnh hưởng của nó cũng không còn.