Mua sắm qua Tiktok mê hoặc giới trẻ Anh

Zainab Hakim cho rằng bản thân nghiện mua sắm. Nhân viên lễ tân (23 tuổi) tại Birmingham (Anh) không còn đến các cửa hàng để mua quần áo. Hakim dành thời gian theo dõi những người bán hàng livestream trên trang mạng xã hội TikTok và chỉ với một vài cú nhấp chuột, cô có thể mua rất nhiều đồ.

Trào lưu mua sắm mới

Chú thích ảnh
Hình ảnh về một buổi bán hàng livestream. Ảnh: Guardian

Tờ Guardian (Anh) cho biết vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bạn cũng có thể lướt TikTok Live và thấy có người bán đủ thứ hàng, từ quần áo, dụng cụ thể dục, đồ chơi cho đến kẹo, bánh ngọt, pha lê và cốc cà phê… Vào một buổi chiều năm 2022, Hakim đã mua 8 món hàng từ 8 người bán khác nhau.

“Đó là những thứ bạn thậm chí không cần”, cô chia sẻ. Gần đây, cô đã mua một thiết bị nhà bếp có thể tạo hình xoắn ốc cho khoai tây, đơn giản vì “trông nó rất ngầu”. Hakim đặc biệt thích mua quần áo: “Bạn có thể yêu cầu người bán cho xem chất liệu và họ đưa nó đến gần camera để bạn biết mình sẽ mua gì”.

Đây không phải là một hiện tượng mới – mua sắm qua livestream đã phổ biến ở Trung Quốc từ năm 2016 và nhiều người cho rằng đây là tương lai của ngành bán lẻ. Ngay cả những người nổi tiếng cũng đang làm việc này: người mẫu Anh Katie Price đã bán quần áo cho 1,4 triệu người theo dõi TikTok của cô.

Ngoài TikTok, Amazon và Facebook có các tính năng mua sắm livestream của riêng họ.

Theo một khảo sát của công ty quảng cáo Influencer Marketing Factory, 1/4 người Anh đã đặt hàng qua livestream. Phần lớn mua quần áo hoặc đồ làm đẹp nhưng hơn 13% mua đồ điện tử và gần 12% đặt mua đồ nội thất và đồ trang trí nhà cửa. Cuộc khảo sát cho kết quả hầu hết những người Anh đã đặt hàng đều ở độ tuổi từ 19 đến 35. Như Hakim nói: “90% bạn bè của tôi đã mua ít nhất một thứ trên TikTok”.

Người bán gặp thời

Chú thích ảnh
Một buổi livestream của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Ảnh: Getty Images

Trong ít nhất hai giờ mỗi ngày - đôi khi lên đến 6 tiếng đồng hồ - Tregear phát trực tiếp trên tài khoản TikTok @thecandyzone.co.uk. Trong một nhà kho đã chuyển đổi thành nơi ghi hình nhỏ, Tregear khoe những món kẹo mới, tặng quà và đóng gói các đơn đặt hàng. “Thật khó vì bạn phải nói liên tục”, Tregear chia sẻ. Tuy nhiên, cố gắng đã được đền đáp. Ví dụ như trong một lần livestream đến 4 tiếng đồng hồ, Treagar đã thu hút 5.000 người xem và nhận được 140 đơn đặt hàng.

“Đó chỉ là một thế giới khác. Mọi người muốn nhìn thấy sản phẩm của họ được đóng gói, họ thích nghe tên của mình” Tregear nói. Anh đồng thời cho biết thêm rằng các khách hàng thường xuyên trao đổi với nhau trong phần bình luận. Chị dâu của Tregear và một số người tình nguyện khác đảm nhận việc kiểm duyệt các bình luận.

Nikia và Mike Marshall là một cặp đôi bán quần áo và mỹ phẩm trên tài khoản TikTok @mikeandnikia có hơn 200.000 người theo dõi. Nikia làm mẫu trang phục để cho khách hàng thấy chúng vừa vặn như thế nào. Khách hàng khi bình luận sẽ đưa ra các yêu cầu như: “Làm ơn cho tôi xem phần dưới của bộ áo liền quần” và “Liệu nó có quá dài đối với tôi không? Tôi cao 1m57”.

Tuy nhiên, có một nhược điểm lớn đối với việc bán hàng livestream, đó là những bình luận tiêu cực. Tregear nói anh nhận được nhiều bình luận tiêu cực và việc bán hàng qua website sẽ không phải đối mặt với điều này.

Những người bán hàng trên TikTok tin rằng mua sắm qua livestream chính là tương lai, không phải nhất thời. Tuy nhiên, ông Adrian Palmer tại Trường Kinh doanh Henley (Anh), tỏ ra dè dặt hơn: “Nếu bạn muốn mua một chiếc áo phông cực rẻ, thì việc đến Primark vào chiều thứ Bảy và xếp hàng vẫn hiệu quả hơn”.

Ông cho rằng bán hàng livestream thu hút vì nó “đáp ứng nhu cầu tương tác với những người khác” và “kích thích việc mua ngay lập tức vì sợ bỏ lỡ”. Adrian Palmer cho biết chỉ lướt TikTok Live trong vài phút ông đã nhìn thấy từ “flash sale” xuất hiện hai lần và người bán khuyến khích người mua nhanh tay bởi sắp “cháy hàng”.

Đối với Hakim, mua sắm qua livestream không phải là một hình thức giải trí hay cách để kết nối với người bán, nó chỉ đơn giản là thuận tiện.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Guardian)
TikTok trở thành nền tảng truyền thông xã hội lớn thứ hai ở Nam Phi
TikTok trở thành nền tảng truyền thông xã hội lớn thứ hai ở Nam Phi

Một báo cáo công bố ngày 1/7 cho thấy TikTok đã vượt Instagram để giành vị trí thứ hai trong số các nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất ở Nam Phi và thách thức sự thống trị của Facebook tại quốc gia cực Nam châu Phi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN