Một tuần sau vụ tàu Titan, tỷ phú Mỹ bị chỉ trích vì mở chuyến bay thương mại vào vũ trụ

Dư luận trên mạng xã hội Mỹ đang chỉ trích công ty Virgin Galactic của tỷ phú Mỹ Richard Branson vì khởi động chuyến bay thương mại đầu tiên vào không gian chỉ chưa đầy một tuần sau thảm kịch nổ tàu lặn Titan.

Chú thích ảnh
Tàu VSS Unity của Virgin Galactic và tỷ phú Richard Branson. Ảnh: Getty Images

Theo trang Business Insider, công ty Virgin Galactic thông báo sẽ đưa ba hành khách thuộc Lực lượng Không quân Italy và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italy vào không gian trong sứ mệnh Galactic 01. Họ sẽ đi cùng với 5 thành viên phi hành đoàn Virgin Galactic, gồm một người hướng dẫn phi hành gia và bốn phi công.

Chuyến bay vào vũ trụ kéo dài 90 phút dự kiến cất cánh vào ngày 29/6 và mục đích của sứ mệnh là tiến hành một loạt các thí nghiệm khoa học.

Virgin Galactic cũng đang bán vé cho các chuyến bay thương mại vào không gian trong tương lai với giá 450.000 USD/vé, khuyến khích các khách hàng tiềm năng đặt trước chỗ.

Tuy nhiên, thời điểm đưa ra thông báo trên đã khiến công ty của tỷ phú Branson bị chỉ trích: Tàu lặn Titan vừa phát nổ vào tuần trước khi đang chở một số khách du lịch tỷ phú nổi tiếng trong chuyến thám hiểm để xem xác tàu ​​Titanic.

Trong tài khoản Instagram của Pubity - một tài khoản truyền thông giải trí phổ biến có 33 triệu người theo dõi, người dùng đã bình luận sôi nổi dưới bài đăng về chuyến bay vào vũ trụ nói trên. Trong đó có nhiều ý kiến chỉ trích, cho rằng chuyến bay này có thể là phần tiếp theo của thảm kịch Titan, có thể là chuyến bay một chiều.

Những lo ngại về an toàn của du lịch vũ trụ không phải là không có cơ sở. Vào tháng 11/2014, một thành viên phi hành đoàn đã chết trong chuyến bay thử nghiệm tàu nguyên mẫu của Virgin Galactic khi tàu này phát nổ trên sa mạc Mojave. Vào tháng 4, một tên lửa của SpaceX đã phát nổ trong nỗ lực đầu tiên phóng lên quỹ đạo.

Những vụ đó không ngăn được giới siêu giàu đặt trước những chuyến đi mạo hiểm tốn kém và nguy hiểm để giải trí.

Tiến sĩ Adele Doran, giảng viên chính về du lịch mạo hiểm và giải trí tại Đại học Sheffield Hallam (Anh) nhận định rằng vụ tàu lặn Titan sẽ không làm giảm nhu cầu du lịch “cực đoan”.

Bà nói: “Tôi nghĩ rằng với những người có đủ tài chính, họ có nhu cầu về loại hình khám phá này. Cần rất nhiều tiền để làm những việc này và sẽ luôn có những người có số tiền đó để chi”.

Chú thích ảnh
Tàu lặn Titan của công ty Ocean Gate. Ảnh: THX/TTXVN

Có thể kể tới các chuyến đi siêu tốn kém như các chuyến đi trị giá 750.000 USD của EYOS Expeditions tới vực thẳm Challenger thuộc rãnh Mariana, nằm sâu 11,2km dưới bề mặt Thái Bình Dương, hay chuyến bay vào vũ trụ trị giá 450.000 USD nói trên của Virgin Galactic.

Ông Hamish Harding, một trong những người thiệt mạng trên tàu lặn Titan, cũng đã lên vũ trụ trong chuyến bay của công ty Blue Origin thuộc sở hữu của tỷ phú Jeff Bezos vào năm 2022.

Bà Doran cho biết vị thế mà những người siêu giàu đạt được khi đi xuống biển sâu hàng nghìn mét hoặc đến những vùng rất xa xôi của hành tinh, hoặc thậm chí ngoài hành tinh là một yếu tố quan trọng trong thị trường này, ngay cả khi mọi người có thể không sẵn sàng thừa nhận.

Bà chỉ ra rằng nghiên cứu về các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy khách du lịch mạo hiểm thường đề cập đến việc họ đã leo lên độ cao nào hoặc họ đã đi xa tơi đâu. Bà nói: “Các quyền khoe về điều này là quan trọng”.

Theo bà Doran, mặc dù có thể rút ra một số bài học từ vụ tai nạn của tàu lặn Titan, nhưng những sự cố tương tự có thể xảy ra một lần nữa trong thị trường “rất ngách này”. Bà nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu điều gì đó như thế này xảy ra trong không gian”.

Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Doran, hầu như không mấy khách du lịch mạo hiểm nhất thiết phải tìm kiếm một hoạt động nguy hiểm. Hầu hết mọi người đều mong đợi những người tổ chức chuyến đi sẽ giảm thiểu phần lớn rủi ro hoặc họ chỉ đơn giản là tự mình làm điều đó.

Tuy nhiên, một số người có thể đánh giá quá cao khả năng được giải cứu nếu xảy ra sự cố ở những nơi như Nam Mỹ.

Trong tương lai, du lịch vũ trụ có thể hoặc không thể mở rộng ra với các đối tượng ngoài những người rất giàu có, nhưng xu huớng gia tăng của du lịch theo kiểu “cơ hội cuối cùng” sẽ tiếp tục. Tức là mong muốn được nhìn thấy những nơi như hòn đảo nằm ở vị trí thấp hoặc chỏm băng trước khi chúng có khả năng bị biến mất do biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Hồi chuông báo động từ thảm kịch tàu lặn Titan
Hồi chuông báo động từ thảm kịch tàu lặn Titan

Không được bất kỳ cơ quan nào chứng nhận tiêu chuẩn an toàn dù thu phí hàng trăm ngàn USD cho mỗi lượt, tàu lặn Titan của công ty thám hiểm đại dương OceanGate (Mỹ) đã biến thành cái bẫy tử thần đối với năm nhà thám hiểm giàu có. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN