Hồi chuông báo động từ thảm kịch tàu lặn Titan

Không được bất kỳ cơ quan nào chứng nhận tiêu chuẩn an toàn dù thu phí hàng trăm ngàn USD cho mỗi lượt, tàu lặn Titan của công ty thám hiểm đại dương OceanGate (Mỹ) đã biến thành cái bẫy tử thần đối với năm nhà thám hiểm giàu có. 

Chú thích ảnh
Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate. Ảnh: AFP/TTXVN

Thảm kịch đã được báo trước

Tàu Titan bị mất tích từ ngày 18/6, gần 1 giờ 45 phút sau khi rời khỏi tàu mẹ Polar Prince và bắt đầu hành trình khám phá xác tàu đắm Titanic ở độ sâu gần 4.000m dưới đáy Đại Tây Dương. Lực lượng cứu hộ đa quốc gia với sự phối hợp của lực lượng hải quân các nước Mỹ, Pháp, Anh, Canada đã chạy đua với thời gian, phối hợp rà soát quy mô lớn trên bề mặt rộng khoảng 20.000 km2 và ở độ sâu trên 3.000m tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương. Bốn ngày sau đó khi cả thế giới nín thở chờ tin mừng, đội tìm kiếm lại thông báo cái kết buồn: phát hiện các mảnh vỡ của tàu Titan ở khu vực cách mũi tàu Titanic 488m.

Theo các chuyên gia, đây là bằng chứng cho thấy lực áp suất khổng lồ ở dưới đáy biển đã nghiền nát con tàu, khiến toàn bộ năm người trong khoang thiệt mạng gần như ngay tức thì. Nhiều khả năng, thi thể của các nạn nhân sẽ vĩnh viễn nằm lại gần “ngôi mộ tập thể” Titanic mà họ khao khát khám phá. Hiện chưa rõ vụ tai nạn là do trục trặc kỹ thuật hay thao tác sai của con người.

Ngày 25/6, Lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG) thông báo mở cuộc điều tra nguyên nhân dẫn tới thảm kịch nổ tàu lặn Titan, khiến năm người thiệt mạng, gồm thuyền trưởng kiêm người sáng lập OceanGate Stockton Rush, 61 tuổi; nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding, 58 tuổi; doanh nhân người Anh gốc Pakistan Shahzada Dawood, 48 tuổi, và cậu con trai 19 tuổi Suleman Dawood; cùng với nhà thám hiểm dưới nước người Pháp Paul-Henri Nargeolet, 77 tuổi.

Người đứng đầu đơn vị điều tra của USCG, Đại úy Jason Neubauer nhấn mạnh lực lượng này đã thành lập Ủy ban điều tra hàng hải (MBI) để xác minh nguyên nhân dẫn tới thảm kịch. Đại úy Neubauer cho biết thêm hoạt động điều tra có sự phối hợp chặt chẽ giữa giới chức trong nước và các quan chức quốc tế. Hôm 24/6, Canada cũng thông báo đang tiến hành cuộc điều tra riêng về vụ tai nạn này. 

Từ khi ra đời đến nay, OceanGate đã tiến hành trên 200 lần lặn bằng ba con tàu. Tàu duy nhất có thể tiếp cận xác tàu Titanic là Titan, chủ yếu làm bằng sợi các-bon nhẹ, và đủ dưỡng khí trong 96 giờ cho 5 người. Thế nhưng, vấn đề an toàn của tàu Titan không phải là điều chưa từng được nhắc đến. Nhiều chuyên gia trong và ngoài công ty OceanGate đã nêu lên mối lo ngại về với con tàu làm bằng sợi các-bon này từ năm 2018.

"Điều đó không làm chúng tôi ngạc nhiên”, ông Will Kohnen, chủ tịch Ủy ban Tàu ngầm của Hiệp hội Công nghệ Hàng hải nói về số phận của Titan.Tháng 3/2018, sau một hội nghị ngành thường niên, Kohnen soạn một bức thư gửi cho Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush. Ông thay mặt các thành viên bày tỏ mối lo lắng chung về sự phát triển của tàu Titan và các kế hoạch thám hiểm Titanic có thể dẫn đến các vấn đề “từ nhỏ đến thảm khốc”. Cùng năm đó, vấn đề an toàn của con tàu lặn này lại nóng lên do vụ kiện giữa cựu Giám đốc hoạt động hàng hải David Lochridge với hãng OceanGate. Ông Lochridge cáo buộc đã bị OceanGate sa thải sau khi lên tiếng khẳng định độ dày của thân tàu không chịu được độ sâu quá lớn, cũng việc công ty này thiếu các cuộc kiểm tra sai sót tiềm tàng. 

Có người đã gọi ông chủ OceanGate là “con sói đơn độc” vì phớt lờ các cảnh báo an toàn liên quan đến tàu Titan. Nhiều thông tin cho biết con tàu chỉ được trang bị bộ điều khiển bằng tay cầm chơi game và gắn nhiều phụ kiện không đồng bộ cho thấy con tàu này có vấn đề về tiêu chuẩn an toàn, nhưng vẫn được khai thác cho mục đích du lịch.

Báo động về ngành du lịch mạo hiểm

Chú thích ảnh
Các phi hành gia không chuyên trong sứ mệnh Inspiration4 của Tập đoàn SpaceX được đưa lên vũ trụ tháng 9/2021. Ảnh: Inspiration4

OceanGate - công ty duy nhất trên thế giới cung cấp dịch vụ tàu lặn thám hiểm xác tàu Titanic, đã từ chối đăng ký kiểm định an toàn cho tàu lặn Titan từ các bên thứ ba như Cục Đăng kiểm Mỹ (ABS) hay công ty dịch vụ chứng nhận an toàn DNV của châu Âu. Trong số khoảng 10 tàu lặn có khả năng tiếp cận độ sâu của xác tàu Titanic ở gần 4.000 m dưới đại dương, chỉ có tàu Titan là chưa được chứng nhận. 

Theo các chuyên gia, điểm mấu chốt để tàu Titan vận hành mà không có giấy phép là nó thường hoạt động ở những vùng biển quốc tế. Những vùng biển này không có quy định mang tính toàn cầu nào về hoạt động của các tàu lặn và cũng không chịu sự quản lý của bất kỳ quốc gia nào. 

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng việc áp đặt các quy định bổ sung có thể không khả thi do vấn đề pháp lý liên quan đến các phương tiện lặn sâu ở các vùng biển quốc tế. Theo đó, ở các vùng biển quốc tế không có quy định mang tính toàn cầu nào về hoạt động của các tàu lặn và cũng không chịu sự quản lý của bất kỳ quốc gia nào. Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Hàng hải Justin Manley nhận định sự cố với tàu lặn Titan có thể dẫn đến những quy định quản lý nghiêm ngặt hơn, nhưng các quy định này có thể không khả thi do các vùng biển quốc tế vốn không thuộc phạm vi quản lý của một quốc gia nào.

Vụ nổ tàu Titan là tai nạn tàu lặn du lịch gây thương vong đầu tiên trên thế giới, chắc chắn sẽ làm dấy lên cuộc tranh luận về vấn đề an toàn và có thể có cả những lời kêu gọi siết chặt các quy định đối với loại hình du lịch mạo hiểm.

Những chuyến du ngoạn siêu sang trị giá hàng trăm ngàn thậm chí hàng triệu USD đã ngày càng phổ biến kể từ khi các biện pháp kiểm soát đi lại do dịch COVID-19 được nới lỏng. Những chuyến đi tốn kém và đầy mạo hiểm này có thể đưa khách hàng đến mọi nơi, từ khám phá đáy biển sâu, bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế, chinh phục đỉnh Everest, đến tham gia một chuyến du lịch bằng máy bay riêng vòng quanh thế giới. Nhưng đáng tiếc, ngoài trải nghiệm có một không hai cho giới siêu giàu, chúng có thể đe dọa môi trường hoặc dẫn đến các nhiệm vụ giải cứu tốn kém và thậm chí là bi kịch.

Khi du lịch mạo hiểm được ưa chuộng hơn, các nhà thám hiểm hàng đầu kêu gọi mọi người cân nhắc kỹ quyết định lặn biển sâu hoặc du hành vào vũ trụ. Cái chết của năm người trên chiếc tàu lặn tham quan tàn tích của Titanic khiến ngay cả những nhà thám hiểm nổi tiếng nhất cũng phải cảnh giác.

Bên cạnh đó, đây không phải là lần đầu một chuyến du lịch như vậy gây phản đối kịch liệt về chi phí. Vào năm 2021, Giám đốc điều hành của tập đoàn Amazon Jeff Bezos đã cùng ba người khác bay vào không gian trên tàu vũ trụ SpaceX trong bối cảnh tập đoàn này phải cắt giảm hàng loạt nhân viên.

Tại Nhật Bản, tỷ phú Yusaku Maezawa, người sáng lập công ty bán lẻ quần áo trực tuyến Zozo, đã lên kế hoạch du hành lmặt trăng trong một tuần vào năm 2024 trên tàu vũ trụ SpaceX.

Các thành viên trong nhóm du hành của ông Maezawa được tuyển chọn từ hàng nghìn đơn đăng ký, bao gồm nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia, diễn viên và vũ công đến từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Ireland, Ấn Độ, Nhật Bản và Cộng hòa Séc.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (tổng hợp)
Ba chuyến thám hiểm xác tàu Titanic khác từng suýt chết trước vụ nổ tàu lặn Titan
Ba chuyến thám hiểm xác tàu Titanic khác từng suýt chết trước vụ nổ tàu lặn Titan

Vụ nổ bi thảm của tàu lặn Titan cướp đi sinh mạng của 5 nhà thám hiểm không phải sự cố đầu tiên xảy ra gần xác tàu Titanic. Một loạt sự cố suýt chết khác từng xảy ra trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN