Theo đài RT, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang quay trở lại trạm quan sát thì xe chở họ bị tấn công. Hiện chưa rõ danh tính của những kẻ tấn công. Quân đội Nga xác nhận toàn bộ binh sĩ bên trong xe đều tử vong tại chỗ nhưng không tiết lộ con số thương vong chính xác.
Quân đội Nga cho biết thêm các nhà điều tra Nga và Azerbaijan đang khám nghiệm hiện trường vụ việc.
Tình hình bạo lực leo thang mới ở Nagorny-Karabakh bắt đầu vào ngày 19/9 khi Azerbaijan thực hiện chiến dịch quân sự tại đây với lý do Armenia đang tăng cường quân đội trong khu vực tranh chấp này. Armenia phủ nhận có sự hiện diện của quân đội nước này ở Nagorny-Karabakh và cáo buộc Azerbaijan bắt đầu gây hấn quy mô lớn nhằm vào người dân ở Nagorny-Karabakh.
Sau đó, quân đội Azerbaijan tiến về nhiều hướng, chọc thủng các vị trí của lực lượng địa phương.
Ngày 20/9, chính quyền Nagorny-Karabakh tuyên bố ngừng bắn với Azerbaijan theo đề xuất của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng xác nhận đã đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn với các lực lượng Armenia. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết các lực lượng Armenia ở đây đã đồng ý hạ vũ khí, từ bỏ các vị trí chiến đấu và đồn quân sự cũng như giải giáp hoàn toàn. Tất cả vũ khí, thiết bị hạng nặng đã được bàn giao cho quân đội Azerbaijan.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ca ngợi chiến dịch này là một thành công lớn, tuyên bố rằng đã khôi phục chủ quyền đối với khu vực Nagorny-Karabakh.
Ông Aliyev nêu rõ: “Quân đội Azerbaijan đã loại bỏ đáng kể lực lượng quân đội Armenia ở Nagorny-Karabakh”. Ông Aliyev cũng nhấn mạnh hành động của Azerbaijan là công bằng và hoàn toàn chính đáng. Azerbaijan cam kết đảm bảo mọi quyền lợi của người Armenia sống trong khu vực.
Đề cập đến Armenia, Tổng thống Aliyev cũng cho rằng quan điểm của Armenia là đáng khích lệ. Theo ông, điều này mang lại hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ bắt đầu được cải thiện trong tương lai.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã điện đàm thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình ở Nagorny-Karabakh. Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng giảm căng thẳng ở Nagorny-Karabakh và chuyển tình hình sang hướng hòa bình. Theo ông, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang tích cực làm việc với các bên xung đột.
Trong khi đó, ngày 20/9, Thứ trưởng Ngoại giao Armenia Paruyr Hovhannissyan cảnh báo việc Nagorny-Karabakh cùng tồn tại với người Azerbaijan là điều khó tưởng tượng. Theo ông Hovhannissyan, người Armenia tại đây đã sẵn sàng đàm phán và đối thoại với Azerbaijan là điều cốt yếu.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi đảm bảo an toàn cho dân thường trong khu vực. Phát biểu bên lề phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói: “Đặc biệt, Azerbaijan và Nga phải đảm bảo an toàn cho người dân trong chính ngôi nhà của họ”. Bà khẳng định chỉ có giải pháp ngoại giao mới có thể giải quyết được mọi việc và đó là điều mà Liên minh châu Âu cũng như chính phủ Đức đang nỗ lực đạt được. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh: “Giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này chỉ đạt được nếu các hành động quân sự trong quá khứ và hiện tại được ngăn chặn ngay lập tức”.
Xung đột tại khu vực giữa những người Armenia theo đạo Thiên chúa và người Azerbaijan Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ đã có lịch sử hơn một thế kỷ. Khoảng 30.000 người đã thiệt mạng trong khi hơn 1 triệu người phải ly tán trong cuộc chiến tranh hồi những năm 1990 và ít nhất 6.500 người cũng đã thiệt mạng trong cuộc chiến 44 ngày giữa Armenia và Azerbaijan năm 2020.