Phản ứng của Nga, Mỹ và châu Âu về căng thẳng leo thang giữa Azerbaijan và Armenia

Việc Azerbaijan phát động cuộc tấn công ở Nagorny - Karabakh khiến căng thẳng với Armenia bất ngờ leo thang.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau các cuộc tấn công trên đỉnh đồi bên ngoài Stepanakert, thuộc khu vực Nagorno-Karabakh, vào ngày 19/9. Ảnh: AFP

Sau nhiều tuần đụng độ, Azerbaijan ngày 19/9 cho biết họ đã phát động một chiến dịch chống khủng bố ở Nagorny - Karabakh, một động thái làm leo thang căng thẳng với Armenia, khi khu vực này đang đứng trước bờ vực khủng hoảng nhân đạo sau nhiều tháng bị phong tỏa.

Cuộc tấn công diễn ra ngay sau khi Baku cáo buộc các nhóm phá hoại người Armenia về hai vụ nổ riêng khiến 4 quân nhân và 2 thường dân thiệt mạng ở Nagorny - Karabakh. Các cơ quan thực thi pháp luật Azerbaijan cho biết họ coi vụ việc là vụ tấn công khủng bố.

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan nêu rõ: "Để thực thi các quy định của tuyên bố ba bên được các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Armenia và Nga thông qua vào ngày 9/11/2020, nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích quy mô lớn ở khu vực kinh tế Karabakh (Nagorny), nhằm giải giáp vũ khí và dẫn đến việc rút quân của Armenia, để đảm bảo an toàn cho thường dân đã trở về và của các nhân viên tham gia vào công việc sửa chữa và tái thiết, cũng như khôi phục hệ thống hiến pháp, các biện pháp chống khủng bố của Azerbaijan đã bắt đầu được thực hiện trong khu vực".

Thông cáo lưu ý rằng trong khuôn khổ các biện pháp có liên quan đến việc sử dụng vũ khí có độ chính xác cao và mục tiêu là các vị trí của lực lượng vũ trang Armenia, trong khi thường dân cùng cơ sở hạ tầng dân sự không nằm trong danh sách mục tiêu.

“Chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga và người đứng đầu Trung tâm Giám sát Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã được thông báo về các hoạt động hiện tại”, thông cáo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Đài phát thanh châu Âu tự do (RFE/RL), Bộ Quốc phòng Armenia ngay lập tức phản bác tuyên bố của Baku, nói rằng nước này không có lực lượng vũ trang ở Nagorny - Karabakh và cuộc tấn công của Baku vi phạm lệnh ngừng bắn.

Thủ tướng Nikol Pashinian cũng ngay lập tức triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh Armenia và cho biết ông đang liên hệ với Moskva, nước dẫn đầu liên minh an ninh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mà Armenia là một thành viên và cộng đồng quốc tế, để giúp ngăn chặn các cuộc tấn công của Baku.

Ông Pashinian cho biết trong các bình luận trên truyền hình: “Trước hết, Nga cần hành động và thứ hai, chúng tôi mong đợi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng sẽ có hành động”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP

Bộ Ngoại giao Armenia cho biết trong một tuyên bố rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đóng tại Nagorny - Karabakh sẽ thực hiện các bước đi rõ ràng và dứt khoát để ngăn chặn hành động của Azerbaijan, đề cập đến thỏa thuận ngừng bắn mà Moskva làm trung gian giữa Yerevan và Baku sau khi hai bên nổ ra giao tranh kéo dài sáu tuần vào cuối năm 2020 trong khu vực, khiến khoảng 7.000 người thiệt mạng.

Trước diễn biến mới trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các nhà báo ở Moskva rằng nước này lo ngại tình hình leo thang nhưng lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong khu vực sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình. Bà nói thêm rằng Moskva chỉ được thông báo vài phút trước khi Baku phát động cuộc tấn công.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là thuyết phục cả Yerevan và Baku ngừng sử dụng vũ lực và ngồi vào bàn đàm phán”.

Về phần mình, đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell đã kêu gọi Azerbaijan ngừng các hoạt động quân sự ở Nagorny - Karabakh, đồng thời nói rằng Brussels vẫn cam kết tạo điều kiện đối thoại để mang lại hòa bình lâu dài cho khu vực.

Chính phủ Armenia cho biết trong một tuyên bố rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thông báo sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về diễn biến này. Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Washington cũng đã bắt đầu nỗ lực ngoại giao để làm dịu căng thẳng.

Tình hình leo thang trong khu vực chỉ một ngày sau khi việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân tộc Armenia ở Nagorny - Karabakh được nối lại. Chính quyền ở Nagorny - Karabakh đồng ý cho phép Nga đưa viện trợ trực tiếp từ lãnh thổ do Baku kiểm soát qua đường Agdam. Đổi lại, chính quyền Azerbaijan đồng ý cho phép chuyển hàng viện trợ đồng thời đến khu vực thông qua Hành lang Lachin.

Armenia và Azerbaijan đã xảy ra hai cuộc chiến tranh vì Nagorny - Karabakh, một vùng đất miền núi chủ yếu có người Armenia sinh sống và được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo TASS/RFE/RL)
NATO tìm cách kết nạp Armenia?
NATO tìm cách kết nạp Armenia?

Trong bối cảnh Armenia không hài lòng với Nga và đang tiến hành cuộc tập trận quân sự với Mỹ, Moskva không cho rằng Yerevan đang "xoay trục" về phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN