Các nhà đầu tư khi đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính ổn định của các tổ chức cho vay giữa lúc khủng hoảng các ngân hàng khu vực Mỹ xảy ra.
Cuộc giải cứu có sự hỗ trợ từ chính phủ của UBS đối với Credit Suisse đã khôi phục lại sự yên bình của thị trường. Kể từ đó, các ngân hàng châu Âu đã có một sự phục hồi ấn tượng, dù có phần mong manh. Họ đã đạt mức lợi nhuận kỷ lục và hưởng mức tăng hai con số trên cổ phiếu của mình.
Chứng khoán khởi sắc
Khi khủng hoảng xảy ra vào tháng 3 năm ngoái, chứng khoán ngân hàng châu Âu đồng loạt lao dốc: Cổ phiếu của Deutsche Bank giảm hơn 20% trong tháng và chỉ số ngành ngân hàng châu Âu có tháng tồi tệ nhất kể từ đại dịch COVID-19.
Kể từ đó, giá cổ phiếu ngân hàng châu Âu đã tăng vọt, dẫn đầu là mức tăng 60% của UBS và gần 70% của UniCredit. Cổ phiếu của BNP Paribas và Deutsche Bank đều hoạt động kém hiệu quả hơn nhưng cũng trong vùng tăng điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc chỉ số STOXX Europe 600 đã tăng trong năm tháng liên tiếp tính tới hiện tại và đang ở quanh mức cao nhất kể từ năm 2019.
Một yếu tố thúc đẩy cho diễn biến này là sự phục hồi về lợi nhuận của các ngân hàng, chủ yếu nhờ lãi suất cao hơn giúp tăng thu nhập lãi ròng (chỉ khoản chênh lệch giữa số tiền mà các ngân hàng trả cho tiền gửi và kiếm được từ các khoản cho vay).
Các ngân hàng bao gồm Santander, UniCredit và NatWest đều báo cáo lợi nhuận tăng vọt nhờ thu nhập lãi ròng cao hơn. Nhiều ngân hàng đã tiến hành chia cổ tức và thông báo các kế hoạch mua lại cổ phiếu khổng lồ.
Tuy nhiên, khi lãi suất lên đến đỉnh điểm, các nhà phân tích dự kiến thu nhập của các ngân hàng sẽ ổn định và sau đó giảm xuống.
Đà phục hồi trái phiếu AT1 có vững chắc
Trái phiếu AT1 (một loại trái phiếu do các ngân hàng phát hành để huy động vốn) đã trở thành chủ đề thảo luận của ngành, khi lượng trái phiếu Credit Suisse trị giá 16 tỷ franc Thụy Sỹ (18 tỷ USD) mất giá sau cuộc giải cứu của ngân hàng UBS.
Giá trái phiếu AT1 của các ngân hàng khác cũng lao dốc. Một số trái phiếu AT1 đã xuống dưới 80 xu, thậm chí 60 xu (tính theo đồng euro) vào cuối tháng Ba năm ngoái. Tuy nhiên, AT1 của các ngân hàng lớn kể từ đó đã phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, những lo ngại về rủi ro tài sản thương mại đã khiến giá trái phiếu của một số ngân hàng tại Đức lại giảm mạnh trong năm nay, trong đó trái phiếu AT1 của Deutsche Pfandbriefbank và Aareal bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Điểm yếu bất động sản thương mại
Bất động sản thương mại có thể sẽ là một điểm yếu đối với các ngân hàng, với giá giảm mạnh, tỷ lệ bỏ trống tăng cao và chi phí đi vay leo thang gây áp lực lên các nhà phát triển mắc nợ.
Tính chung, các ngân hàng châu Âu có khoản rủi ro trị giá 1.400 tỷ euro (khoảng 1.500 tỷ USD). Công ty xếp hạng tín dụng S&P Global ước tính tổng tài sản của các ngân hàng châu Âu (không bao gồm Vương quốc Anh) đạt gần 28.000 tỷ euro vào năm ngoái.
Các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley cho biết, ngành ngân hàng châu Âu đã giảm mức độ tiếp xúc với các bất động sản thương mại và có thể chịu đựng được sự suy yếu hơn nữa về giá, mặc dù một số ngân hàng gặp nhiều rủi ro hơn.
Vắng bóng các thương vụ đình đám
Việc UBS mua lại Credit Suisse là thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lớn nhất ngành ngân hàng châu Âu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi hàng loạt tổ chức cho vay ở khu vực này và Mỹ buộc phải sáp nhập khẩn cấp.
Ngoài khủng hoảng, các thương vụ M&A ngân hàng lớn của châu Âu hầu như không tồn tại, đặc biệt là các thương vụ xuyên biên giới. Những trở ngại trong việc hợp tác đã khiến các ngân hàng châu Âu rơi vào tình trạng mong manh hơn so với các đồng nghiệp ở Mỹ, những người đang có vị thế chi phối trong ngành.