Trong cuộc thảo luận với Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, Tổng thống Putin đánh giá mối quan hệ giữa Nga và quốc gia vùng Vịnh này đã đạt đến "mức cao chưa từng thấy", khi UAE trở thành đối tác thương mại chính của Nga trong thế giới Arab. Thương mại song phương đã tăng gần 68% trong năm 2022 và Tổng thống Putin kỳ vọng sẽ tăng hơn nữa trong năm nay.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định hợp tác công nghiệp cũng đang trên đà phát triển khi một số cơ sở sản xuất vận hành tại cả 2 nước và một số dự án dầu khí lớn đang được triển khai. Du lịch cũng là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh với gần 1 triệu khách du lịch Nga đến thăm UAE hồi năm ngoái.
Trong khi đó, Tổng thống Al Nahyan cho biết UAE là đối tác lớn nhất của Nga ở khu vực Trung Đông, đồng thời là nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Nga. Theo ông Al Nahyan, đầu tư của UAE vào lĩnh vực phi dầu mỏ của Nga đã tăng 103% trong năm.
Các nhà phân tích theo dõi chính sách của Nga ở Trung Đông cho rằng việc lãnh đạo Điện Kremlin nhấn mạnh mối quan hệ thương mại thịnh vượng và hợp tác giữa Nga và UAE nhằm gửi tín hiệu tới phương Tây rằng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn có những đối tác giàu có và đáng tin cậy. Động thái này còn chuyển đi một thông điệp tới người dân trong nước rằng Nga hoàn toàn không bị cô lập.
Tại Saudi Arabia, Tổng thống Putin cũng được đón nồng nhiệt, khi Thái tử Mohammed bin Salman nói với nhà lãnh đạo Nga rằng ông đã “thắp sáng Riyadh” trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 10/2019. Hãng thông tấn TASS mô tả Thái tử Mohammed bin Salman đón Tổng thống Putin với “cái bắt tay anh em” truyền thống.
Theo truyền thông nhà nước Saudi Arabia, trong cuộc gặp Thái tử Saudi Arabia, ông Putin nói rằng: “Không gì có thể ngăn cản sự phát triển mối quan hệ hữu nghị của chúng ta”. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố quan hệ hai nước đạt được chất lượng, mức độ chưa từng thấy như hiện nay là nhờ “chính sách khôn khéo” của Quốc vương Salman, cũng như bản thân Thái tử Mohammed bin Salman.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hai bên đã thảo luận về hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, được gọi là OPEC+, cùng nhất trí “chịu trách nhiệm tương tác nhằm duy trì thị trường năng lượng quốc tế ở mức độ phù hợp, trong trạng thái ổn định, có thể dự đoán được”. Ông cũng tuyên bố hợp tác giữa Nga và Saudi Arabia - hai nhà sản xuất dầu mỏ lớn đã liên minh để thiết lập chính sách sản xuất – sẽ được tiếp tục đẩy mạnh.
Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là hợp tác trong OPEC+, triển vọng triển khai hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam và kết nối hành lang này với Saudi Arabia, cũng như cuộc xung đột ở Dải Gaza và tình hình Ukraine. Theo số liệu của OPEC, hai quốc gia Trung Đông mà Tổng thống Putin đến thăm, xét về sản lượng dầu mỏ năm 2022, lần lượt đứng vị trí thứ hai (Saudi Arabia) và thứ sáu (UAE) trên thế giới và cùng với Nga (thứ ba), đều là các thành viên trong OPEC+.
Tại cuộc họp mới nhất ngày 30/11, nhóm đã đồng ý tiếp tục cắt giảm sản lượng 700.000 thùng/ngày trong quý I/2024 để hỗ trợ giá bán. Nga sẽ giảm xuất khẩu thêm 200.000 thùng/ngày, giảm tổng cộng 500.000 thùng/ngày, còn Saudi Arabia giảm 1 triệu thùng mỗi ngày.
Giới chuyên gia nhận định nhà lãnh đạo Nga đã sử dụng những chuyến đi này để tăng cường quan hệ đối tác với các nhà sản xuất dầu quan trọng. Kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine, UAE đã trở thành đối tác thương mại chính của Moskva trong thế giới Arab - kim ngạch thương mại song phương trong 9 tháng đầu năm nay đã đạt 8,8 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa LB Nga với Saudi Arabia cũng đang phát triển tốt đẹp, qua tuyên bố trước chuyến thăm của Tổng giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ông Kirill Dmitriev, rằng trong vòng 2 năm tới, quỹ này có kế hoạch thu hút thêm 1.000 tỷ ruble đầu tư (hơn 10 triệu USD) từ Saudi Arabia. UAE và Saudi Arabia cũng đã được mời trở thành thành viên BRICS trong năm 2024.
Chuyên gia Ivan Bocharov, điều phối viên chương trình của Hội đồng Nga về Quan hệ quốc tế (RIAC) lưu ý rằng điểm nhấn chính trong các cuộc đàm phán của Tổng thống Putin với lãnh đạo các quốc gia Arab là các khía cạnh hợp tác kinh tế. Điều này có thể thấy rõ qua thành phần phái đoàn Nga gồm giới doanh nghiệp, các quan chức chuyên trách về kinh tế, đại diện các tập đoàn nhà nước mà không phải là các quan chức an ninh.
Ông Bocharov đánh giá tại Abu Dhabi (UAE), các vấn đề hợp tác công nghệ trong những lĩnh vực năng lượng, nhiên liệu và năng lượng phức hợp, y học, nông nghiệp và vũ trụ đã được đề cập. Theo chuyên gia Bocharov, hội nhập BRICS có thể trở thành động lực mới cho phát triển hợp tác song phương.
Tại Saudi Arabia, hai bên tập trung nhiều hơn vào các vấn đề tương tác trong OPEC+. Chuyên gia Bocharov giải thích: “Saudi Arabia thận trọng trong các vấn đề hợp tác kinh tế với Nga, nhưng Riyadh đang định vị mình với vai trò lãnh đạo của thế giới Hồi giáo nên đây có thể trở thành cánh cửa để Moskva tiếp cận thế giới Arab”.
Chuyên gia Andrey Zeltyn, giảng viên cao cấp của Trường Nghiên cứu phương Đông thuộc Đại học Nghiên cứu quốc gia “Trường Kinh tế cao cấp” (HSE), đánh giá điểm ưu tiên thứ hai trong các cuộc hội đàm của Tổng thống Putin ngày 6/12 là tình hình Trung Đông, các vấn đề về cấu trúc thời hậu chiến của Dải Gaza. Theo chuyên gia này, cả hai nước Arab có thể đặt niềm tin vào "những đòn bẩy" của Nga ở Trung Đông khi mà Moskva đang muốn mở rộng hơn nữa cánh cửa hợp tác với thế giới Arab trong bối cảnh bị phương Tây bao vây cấm vận.
Có thể thấy chuyến thăm của Tổng thống Putin hai nước Arab diễn ra chỉ trong vòng 1 ngày nhưng đã đạt nhiều kết quả. Sau chuyến thăm, nước Nga có cơ hội xích lại gần hơn thế giới Arab, mở rộng tầm ảnh hưởng ở Vùng Vịnh.