Hồi tháng 12/2013, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Microsoft giao nộp nội dung các thư điện tử (email) của một tài khoản tình nghi thuộc về một kẻ buôn lậu thuốc phiện. Microsoft đã giao các thông tin về tài khoản trên song từ chối cung cấp nội dung các email do phần dữ liệu này lưu trữ tại máy chủ tại Ireland. Lệnh của Bộ Tư pháp ban hành theo Đạo luật trao đổi thông tin được lưu trữ (SCA), một phần của Đạo luật bảo vệ trao đổi thông tin điện tử ban hành năm 1986.
Thẩm phán Susan Carney của tòa phúc thẩm tại thành phố New York cho biết SCA không quy định các tòa án của Mỹ có quyền ra lệnh cho các công ty Internet của Mỹ giao nộp nội dung email trên các máy chủ nước ngoài.
Microsoft hoan nghênh quyết định của tòa án, khẳng định điều này giúp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng Interntet tại đất nước họ sinh sống. Theo quan chức pháp lý của Microsoft Brad Smith, các thông tin cá nhân được luật pháp bảo vệ sẽ khiến người dân tin tưởng các công ty công nghệ hơn. Ngược lại, nếu Bộ Tư pháp thắng Microsoft trong vụ kiện, nhiều nước khác cũng sẽ có lý do để "bật đen xanh" cho hành động tương tự.
Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, một cơ quan nghiên cứu trụ sở tại Washington, nhận định việc thu thập dữ liệu lưu trữ tại nước ngoài cần được tiến hành thông qua các hiệp ước hỗ trợ pháp lý song phương vốn được thiết kế để tạo điều kiện cho lực lượng cảnh sát các nước giúp đỡ lẫn nhau. Mỹ hiện đã ký kết hiệp ước này với hơn 50 quốc gia.
Vấn đề vi phạm quyền riêng tư trở thành mục tiêu bị để ý của Mỹ kể từ năm 2013, khi cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden lật tẩy một chương trình do thám khổng lồ của Nhà Trắng.