Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nhấn mạnh cho đến nay nước này chưa phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron, nhưng vẫn cần cảnh giác. Theo đó, Malaysia sẽ siết chặt kiểm soát biên giới với các nước và khu vực đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới này. Chính phủ Malaysia cũng quyết định tạm dừng việc chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu vì biến thể Omicron mới xuất hiện có khả năng lây nhiễm cao, đồng thời giám sát sự lây nhiễm của biến thể này để ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới ở nước này.
Trước đó, ngày 12/10, Bộ trưởng Hishammuddin Hussein đã thông báo việc Chính phủ Malaysia dự định chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu, nhưng không cho biết thời gian cụ thể. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Malaysia đang theo hướng “mở cửa an toàn”, theo đó, nước này đã gỡ bỏ lệnh cấm đi lại liên bang, quy định công dân phải xin phép khi ra nước ngoài và mở cửa lại trường học. Hằng tuần, chính phủ đều có các cuộc thảo luận với chuyên gia y tế và kinh tế về tình hình dịch bệnh, sau đó chuyển lên Hội đồng An ninh quốc gia để ra quyết định.
Nội các Thái Lan ngày 30/11 đã quyết định đình chỉ kế hoạch của Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) cho phép khách quốc tế được xét nghiệm bằng kháng nguyên (ATK) thay vì xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR khi nhập cảnh, do lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trước đó, CCSA thông báo từ ngày 16/12 sẽ áp dụng xét nghiệm ATK đối với khách quốc tế đến nước này qua đường hàng không từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ được phép nhập cảnh Thái Lan theo chương trình “Xét nghiệm và Lên đường”.
Các nhà chức trách y tế Thái Lan cho biết cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này chưa phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ đưa ra quyết định có áp dụng một đợt phong tỏa khác hay không nếu xuất hiện ca nhiễm biến thể Omicron trong nước.
Phát biểu sau cuộc họp Nội các Thái Lan ngày 30/11, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Supattanapong Punmeechaow cho biết Nội các đã chỉ thị các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình trong khi Bộ Y tế sẽ đánh giá việc mở cửa trở lại trong thời gian 2 tuần.
Thứ trưởng Bộ Y tế Sathit Pitutecha kêu gọi người dân không hoang mang và cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho các cơ quan an ninh tăng cường giám sát biên giới để ngăn chặn những người vượt biên trái phép nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho hay Bộ Y tế nước này đang theo dõi tất cả các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tiến hành xét nghiệm chủ động đối với 4.000-5.000 người mỗi tuần. Các biện pháp nghiêm ngặt vẫn được áp dụng để sàng lọc khách du lịch nhập cảnh bằng đường hàng không, đường bộ và đường thủy.
Giới chức Thái Lan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ để ngăn ngừa những tác động tồi tệ nhất của dịch bệnh.
Chính phủ Thái Lan hiện đang nỗ lực thuyết phục những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 đi tiêm chủng, đồng thời thúc đẩy việc mua 120 triệu mũi tiêm nhắc lại cho năm tới. Dự kiến, Thái Lan sẽ hoàn thành trước hạn mục tiêu tiêm được 100 triệu liều vaccine trong năm 2021 vào ngày 5/12.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, sáng 1/12, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 4.886 ca mắc mới cùng 43 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 2.120.758 ca, trong đó có 20.814 ca bệnh không qua khỏi.