Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về văn bản pháp quy (International Regulatory Conference - IRC 2024) diễn ra ngày 7/5, Bộ trưởng Fahmi lưu ý rằng với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Malaysia đặt mục tiêu tiếp thêm sinh lực cho các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt và đạt được những cột mốc quan trọng. Theo ông Fahmi, khung pháp lý khu vực về an toàn trực tuyến được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong việc giải quyết các thách thức chung liên quan đến an toàn trên không gian mạng cũng như xây dựng sự đồng thuận trong khu vực về cam kết bảo vệ môi trường kỹ thuật số của ASEAN.
Đề cập đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ông Fahmi cho rằng để giải quyết những thách thức cũng như xu hướng hiện tại và tương lai trong và ngoài khu vực, Malaysia đề xuất phát triển một tầm nhìn toàn diện và hướng tới tương lai sau năm 2025 cho Cộng đồng ASEAN, dự kiến kéo dài 20 năm. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng đang trong giai đoạn cuối cùng trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho các nền tảng dịch vụ trực tuyến, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội và nhắn tin trên nền tảng trực tuyến (Internet), theo đó các quy định được đề ra trong luật sẽ bao gồm cả yêu cầu bảo vệ các cá nhân trẻ tuổi bằng cách đề xuất hạn chế sử dụng mạng xã hội đối với những người dưới 13 tuổi.
Bên cạnh đó, ông Fahmi cho biết Chính phủ Malaysia đang tích cực soạn thảo luật để giải quyết vấn đề an toàn trực tuyến bao gồm lừa đảo và gian lận trực tuyến, tội phạm liên quan đến tình dục và phát ngôn mang tính thù hận, đồng thời tận dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường an toàn trực tuyến thông qua việc phát triển Cổng thông tin AI.
IRC 2024 do Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) tổ chức, quy tụ các chuyên gia truyền thông và đa phương tiện, bao gồm các nhà quản lý và hoạch định chính sách từ ASEAN, Hàn Quốc, Australia và Anh. 800 khách mời đã tham dự hội nghị nagy trong hai ngày 6 và 7/5 với chủ đề “Kết hợp đổi mới với an toàn cho một tương lai bền vững”, thảo luận về sự đổi mới trong công nghệ hiện tại, khuôn khổ pháp lý và cách tiếp cận trong phạm vi ngành truyền thông và đa phương tiện.
Trong khi đó, Tổng thư ký Bộ truyền thông Malaysia Mohamad Fauzi nhận định việc đăng cai tổ chức ASEAN vào năm 2025 sẽ mang lại lợi ích cho Malaysia vì nước này có ưu thế về sự hội nhập với dân số da dạng thuộc nhiều sắc tộc và nguồn gốc khác nhau. Sự phong phú về văn hóa này không chỉ thúc đẩy sự đoàn kết mà còn trang bị cho Malaysia sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu an toàn trực tuyến đa dạng của người dân, giúp nước này có vị thế tốt để dẫn đầu các nỗ lực trong lĩnh vực trên.